Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn 6,2% và 6% trong năm 2025 và 2026. Ngân hàng UOB cũng giữ dự báo 6 và 6,3% trong cùng giai đoạn, do e ngại biến động bên ngoài.
Hình ảnh: Maika Elan
Tác giả: Chi Kim, Giang Lê
11 tháng 6, 2025 lúc 10:30 AM
Báo cáo mang tên “Economic Outlook 2025: Tackling uncertainty, reviving growth” được OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) công bố tuần rồi cho rằng Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng quanh 6% trong hai năm sắp tới. Việt Nam hiện đang là nước được dự báo tăng trưởng tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong khi OECD bi quan hơn nhiều về kinh tế của các quốc gia khác. Dù vậy, dự báo về Việt Nam đã giảm so với mức 6,5% được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.
Nhóm thực hiện báo cáo cho biết, lý do điều chỉnh dự báo vì e ngại xuất khẩu - trụ cột tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ suy giảm trong năm nay vì các rào cản thương mại toàn cầu.
“Hơn 8% GDP của Việt Nam nhờ xuất khẩu sang Mỹ, nếu giá trị xuất khẩu giảm khoảng ¼ thì GDP sẽ giảm 2%. Nói cách khác, sinh kế của người dân gắn chặt với hoạt động xuất khẩu,” đại diện nhóm nghiên cứu từ OECD chia sẻ trong sự kiện công bố báo cáo. Rào cản thương mại tới từ thuế quan và bất ổn chính sách có thể sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu, báo cáo viết.
Hai rủi ro kể trên cũng sẽ góp phần làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư, khiến dòng vốn FDI - một trụ cột kinh tế khác lung lay, khiến tăng trưởng suy giảm đáng kể.
Tương tự, bộ phận nghiên cứu từ ngân hàng UOB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam còn 6% năm 2025, từ mức 7% ở thời điểm trước ngày 2.4. Dù vậy, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu khiến nhóm nghiên cứu “giữ quan điểm thận trọng với nền kinh tế Việt Nam.”
Nhóm chuyên gia từ UOB cho biết hoạt động kinh tế đã khởi sắc trong giai đoạn tạm hoãn thuế 90 ngày, nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh giao dịch trước thời điểm kết thúc hoãn thuế. Giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 90% GDP năm 2023, riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cũng tập trung chủ yếu vào một số ngành chủ lực như điện-điện tử, nội thất, dệt may và giày dép, vốn chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Rủi ro từ căng thẳng thương mại cũng khiến đồng Việt Nam suy yếu, theo nhóm nghiên cứu từ UOB. Tính từ đầu quý II tới nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 1,8%, chạm mức thấp nhất ở 26.000VND/USD. Triển vọng kinh tế kém tích cực, theo ngân hàng UOB cùng với rủi ro gia tăng khả năng Mỹ giữ nguyên mức thuế 46% nếu các cuộc đàm phán thương mại không có tiến triển rõ rệt sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tiền đồng.
Dự báo của nhóm nghiên cứu từ UOB cho biết tiền đồng sẽ dao động quanh vùng giá yếu cho tới hết quý III.2025. Sự phục hồi có thể diễn ra từ đầu quý IV, trong xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền ở khu vực châu Á khi bất ổn thương mại giảm bớt.
Điểm sáng trong tăng trưởng trong năm nay sẽ thuộc về tiêu dùng nội địa, theo báo cáo từ OECD. Tiêu dùng nội địa được hỗ trợ khi tiền lương thực tế tăng và tỉ lệ thất nghiệp giảm, cộng thêm những nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công tạo ra nhiều việc làm mới. “Việt Nam ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử, đạt 2,2% vào tháng Ba năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm giảm và lực lượng tham gia vào thị trường lao động tăng lên,” báo cáo viết.
Ông Jens Arnold, giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á tại OECD đánh giá các chính sách tiền tệ hiện tại là phù hợp và nên được duy trì, nhưng ngân hàng Nhà nước cần theo dõi cẩn thận áp lực lạm phát đang hiện hữu. Đầu tư công nếu được đẩy nhanh sẽ hỗ trợ tăng trưởng khi các điều kiện bên ngoài suy yếu.
Các ưu tiên chính sách trong dài hạn, theo ông Arnold, là cải thiện chính sách tiền tệ để thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực tài chính, qua đó cải thiện tỉ lệ phân bổ vốn và thúc đẩy tăng trưởng. Cuối cùng, tăng trưởng có thể trở nên bền vững hơn bằng cách đẩy nhanh triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, trong bối cảnh hiện nay phần lớn điện năng của Việt Nam được tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện than.
Trả lời Bloomberg Businessweek Vietnam, ông Arnold cho rằng các dự báo tăng trưởng trong hai năm tiếp theo của Việt Nam vẫn tương đối tích cực so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Để thúc đẩy hơn nữa tốc độ tăng trưởng, và giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như xuất khẩu, không có lựa chọn nào khác ngoài nâng cao năng lực nội tại của quốc gia.
“Phần lớn vốn FDI vào Việt Nam mang lại hiệu quả cao. Khu vực này có năng suất vượt trội so với khu vực kinh tế trong nước, nhưng có rất ít sự liên kết giữa khu vực hiệu quả này với phần còn lại của nền kinh tế,” ông Arnold phân tích.
Chưa thể liên kết nằm ở sự chênh lệch giữa tiêu chuẩn của các công ty FDI với năng lực của nhà cung cấp nội địa. Giải pháp vẫn là cải thiện và đầu tư vào kỹ năng, đặc biệt là khả năng tiếp cận giáo dục trung học phổ thông và đại học – các lĩnh vực Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực.
Ông Arnold cũng cho rằng môi trường kinh doanh cần được gỡ bỏ các rào cản trong khu vực dịch vụ và FDI. Để quốc gia phát triển, cần có một sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước (vốn đang chiếm tỉ trọng lớn ở Việt Nam) và khu vực tư nhân.
Chuyên gia phụ trách khu vực Đông Nam Á của OECD cũng đánh giá việc giảm phụ thuộc vào xuất khẩu là không dễ. Chìa khoá của việc này vẫn là cải thiện điều kiện trong nước và thực hiện các cải cách cấu trúc cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh. “Khi đó, sẽ luôn có chỗ đứng cho xuất khẩu của Việt Nam và cho tăng trưởng mạnh mẽ nếu các chính sách được thực hiện đúng đắn,” ông Arnold nói.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cac-to-chuc-quoc-te-than-trong-du-bao-tang-truong-viet-nam-2025-53431.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media