Kinh doanh

Sàn thương mại điện tử tranh ngôi đoạt vị

Cuộc đua ngày càng gay cấn giữa Shopee và TikTok Shop không chỉ khiến thị trường thương mại điện tử tiếp tục trở thành điểm nóng tăng trưởng của bán lẻ Việt Nam, mà còn vô tình “gây bỏng” các nhà bán hàng trên nền tảng.

Hình ảnh: Bam Studio

Hình ảnh: Bam Studio

Tác giả: Giang Lê

23 tháng 9, 2024 lúc 11:50 AM

“Ban đầu tôi định đặt hủ tiếu trên Shopee Food, nhưng nhanh chóng đổi ý khi lướt trúng livestream bán gà của KFC trên TikTok,” chị Nguyễn Thị Hậu chia sẻ về việc đổi ý nửa chừng khi đặt đồ ăn cho gia đình vào tối cuối tuần cuối tháng Tám. “Gà nóng hổi được giao tới tận nhà sau 30 phút chốt đơn, mà còn được khuyến mãi giá tốt,” cô chủ tiệm làm tóc 29 tuổi ở TP.HCM cho biết.

KFC Việt Nam là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh đầu tiên gia nhập đường đua livestream vào tháng Sáu vừa qua. Chọn khung giờ trùng giờ ăn trưa và chiều, hãng gà rán vận hành các buổi livestream dài khoảng ba tiếng bằng chính đội ngũ nhân viên trong nhà. “Lượt truy cập tự nhiên vào trang tăng lên đáng kể minh chứng KFC đã tăng được tính tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào đúng thời điểm, bằng đúng sản phẩm,” bà Tạ Thị Ninh Thư, giám đốc tiếp thị của KFC Việt Nam nói.

Livestream cũng được xem là vũ khí mũi nhọn giúp TikTok Shop đẩy thị phần lên 22,6% trong sáu tháng đầu năm 2024, soán ngôi á quân trước đó thuộc về Lazada tại thị trường Việt Nam chỉ sau hơn ba năm ra mắt. Tuy vậy nền tảng shoppertainment (kết hợp mua sắm với giải trí) này vẫn còn cách rất xa so với quán quân hiện tại là Shopee, chiếm 69,7% giá trị giao dịch, theo dữ liệu của YouNet. Cuộc đua đang đến hồi cao trào, khi cả hai đơn vị vẫn đang suy tính những nước cờ mới để làm hài lòng khách hàng, nhưng cũng vô tình tạo nên không ít áp lực lên các nhà bán hàng.

c3-01.jpg

Thống kê của Metric nửa đầu năm 2024 trên năm sàn thương mại điện tử hàng đầu, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop cho thấy các nền tảng này đã tăng trưởng 54,91% về doanh số và 65,55% về sản lượng, trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang trong xu hướng thắt chặt chi tiêu. Đáng chú ý, hai sàn thương mại điện tử dẫn đầu là động lực tăng trưởng khi doanh số của TikTok Shop và Shopee lần lượt tăng hơn 150% và 66%, trong lúc ba sàn còn lại ghi nhận doanh số giảm xấp xỉ 50%.

Sức bật mạnh mẽ của hai sàn dẫn đầu đến từ hàng loạt thay đổi trong chính sách bán hàng. Cụ thể, người mua hàng của Shopee nay có thể yêu cầu trả hàng trong 15 ngày, thay vì 3-7 ngày như trước đây. Còn TikTok Shop khuyến khích nhà bán hàng đặt mức giá nhỏ hơn hoặc bằng sản phẩm của chính họ đang bán trên các sàn khác thông qua chỉ số PD (Price Disadvantage - Giá bán chưa tốt). Nếu PD > 20%, nhà bán hàng sẽ bị loại khỏi các chương trình hỗ trợ mã khuyến mãi và lượt truy cập trên nền tảng. “Các vấn đề trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử,” đại diện của Shopee viết vậy qua thư điện tử. Doanh nghiệp này cho biết so với năm ngoái, tỉ số hài lòng (NPS) của người mua đã tăng 32%. Số người mua từ nông thôn, thông thường là những người tiêu dùng dè dặt hơn với thương mại điện tử, cũng tăng trưởng tích cực.

Mặt khác, những thay đổi trên gây áp lực cho một số nhà bán hàng. Chị Nguyễn Ngọc Vi, chủ một cửa hàng bán thức ăn và vật dụng dành cho thú cưng có doanh thu xấp xỉ 50 triệu mỗi tháng trên Shopee và TikTok Shop cho biết mình đã rời khỏi các sàn thương mại điện tử từ tháng Sáu, sau đó bắt đầu lập trang web bán hàng riêng. “Khách hàng của tôi chủ yếu đến từ các bài đăng trên mạng xã hội như Facebook hay Threads, nên việc có trên sàn hay không cũng không ảnh hưởng mấy. Chưa kể việc lên sàn cũng chịu thêm chi phí, trong khi chính sách đổi trả hàng ngày càng thiệt thòi cho bên bán,” chị Vi cho biết.

Nhưng số lượng các đơn vị chia tay sàn thương mại điện tử như chị Vi không nhiều. Thống kê của Metric cho thấy trong sáu tháng đầu năm, số lượng cửa hàng trên năm sàn lớn nhất thị trường Việt Nam đạt gần 574 ngàn cửa hàng, giảm khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần đông các nhà bán hàng, đặc biệt là các thương hiệu có tên tuổi, vẫn chọn gắn bó với các sàn thương mại điện tử vì tin rằng đây sẽ là cánh cửa giúp họ tiếp cận với lứa khách hàng trung thành tiếp theo, thậm chí giúp họ vươn ra khu vực Đông Nam Á. Đại diện của Shopee cho biết tính tới năm 2024, sàn thương mại điện tử này đã đưa hơn 350 ngàn doanh nghiệp SMEs (quy mô vừa và nhỏ) và hơn 1.000 thương hiệu Việt xuất khẩu trực tuyến ra thị trường ASEAN.

Hiện tại, hai lựa chọn phổ biến nhất với các nhà bán hàng Việt là TikTok Shop - nhánh thương mại điện tử của nền tảng video ngắn TikTok đến từ Trung Quốc và Shopee - nền tảng thương mại điện tử đến từ Singapore. Điểm khác biệt lớn nhất của hai “ông lớn” này là bản chất mô hình kinh doanh. “Hiểu nôm na thì Shopee xây một trung tâm thương mại, rồi mới quảng cáo thu hút khách đến mua sắm. Còn TikTok Shop thì ngược lại, họ xây cộng đồng người dùng trước, sau đó chuyển đổi thành những khách hàng mua sắm.” ông Tô Tuấn Tài, nhà sáng lập công ty tư vấn và hỗ trợ bán hàng trực tuyến Lemon Digital cho biết.

Shopee là một trong những nền tảng thương mại điện tử đời đầu khai phá thị trường Việt Nam từ năm 2016, đi theo mô hình sàn thương mại điện tử truyền thống. Trong khi đó TikTok Shop, vốn sinh sau đẻ muộn, lại nổi lên nhờ hình thức bán hàng bằng các phiên livestream được thực hiện bằng lực lượng nhà sáng tạo nội dung hùng hậu có sẵn trên nền tảng mạng xã hội TikTok.

c4.jpg

Theo ông Tài, nguyên nhân lớn nhất giúp Shopee chiếm vị thế thượng phong trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam nằm ở việc “nhà bán hàng trên sàn này chỉ nằm ngủ vẫn có đơn hàng,” trong khi trên TikTok Shop, nếu không chạy quảng cáo, họ phải liên tục thực hiện các phiên livestream để có đơn hàng. 

Thuật toán của Shopee hiện đang ưu tiên các sản phẩm có lượt bán cao và đánh giá tốt lên đầu, còn thuật toán của TikTok chủ yếu vẫn đang đẩy các phiên livestream để người bán tiếp cận người dùng.

Mặt khác, không phải phiên livestream nào cũng đảm bảo mang về lợi nhuận vì chi phí chuẩn bị và vận hành các phiên bán hàng này thường “cắn” gần hết miếng bánh doanh số. Một vấn đề khác là tâm lý mua hàng vì “sợ bị bỏ lỡ” (FOMO - fear of missing out) của khách hàng khi chốt đơn trên các livestream khiến nhiều phiên bán hàng ghi nhận tỉ lệ hủy đơn cao, có khi lên tới 50%. Hệ lụy là nhiều nhãn hàng, đặc biệt là các thương hiệu thời trang nội địa thành lập bởi những người trẻ, bỏ tiền tham gia các chương trình livestream. Nhưng tới khi tổng kết họ lại lỗ nặng và sau cùng phá sản.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian sắp tới có khả năng xuất hiện thêm gương mặt mới. Có thông tin Temu, sàn thương mại điện tử tốp đầu của Trung Quốc - bước chân vào Việt Nam trong tháng Chín. Việc các thương hiệu F&B như KFC Việt Nam tham gia livestream trên nền tảng, theo nguồn tin thân cận yêu cầu ẩn danh do phát biểu dưới tư cách cá nhân, là một phần trong kế hoạch tiếp theo của TikTok: Trở thành nền tảng đa dịch vụ tại không chỉ Việt Nam mà cả thị trường Đông Nam Á. Các dịch vụ mở rộng không chỉ bao gồm giao thức ăn, mà còn đang thử nghiệm ở mảng booking (đặt phòng khách sạn). “Thị trường thương mại điện tử như một tảng băng trôi, những doanh nghiệp chưa tham gia thì chỉ thấy phần nổi bật, nhưng phần chìm bên dưới sẽ có nhiều nỗ lực lẫn sự thất bại.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/san-thuong-mai-dien-tu-tranh-ngoi-doat-vi-52548.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media