Phong lưu

Âm thanh trở thành chuẩn mực xa xỉ mới trong ngành ô tô

Từ Gen Z đến giới CEO ngồi xe riêng, ai cũng muốn một chiếc ô tô có hệ thống âm thanh đẳng cấp như một phòng hòa nhạc.

Minh hoạ: Dohee Kwan

Minh hoạ: Dohee Kwan

Tác giả: Hannah Elliott

31 tháng 5, 2025 lúc 5:14 AM

8 giờ tối thứ Hai, tôi có mặt tại phòng thu của Dolby Laboratories ở San Francisco, ngồi cạnh Nick Rives và lắng nghe giọng nữ cao đầy cảm xúc của SZA hòa quyện với phần rap dồn dập của Kendrick Lamar trong ca khúc All the Stars, phát giữa giờ của trận Super Bowl LIX.

Rives là kỹ sư âm thanh từng được đề cử Grammy và hiện giữ vai trò giám đốc kỹ thuật tại Universal Music Group. Ông chính là người đã phối bản thu gốc của ca khúc này. Ngồi giữa một dàn bảng điều khiển dày đặc nút bấm, ông làm việc với sự tập trung cao độ — trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài xuề xòa, râu rậm và chiếc áo flannel. Rives từng tham gia hoàn thiện các bản thu của Bob Dylan, Billie Eilish, cũng như phục dựng hậu kỳ toàn bộ kho âm nhạc của Bob Marley.

Nhưng bản phối lần này không dành cho một sân khấu hoành tráng hay album mới. Nó được thiết kế riêng cho một chiếc ô tô.

Bên cạnh cuộc đua xe điện và công nghệ tự lái, các hãng ô tô còn cạnh tranh quyết liệt ở một lĩnh vực ít được chú ý hơn: chất lượng âm thanh trong khoang lái. Ngày nay, xe hơi không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn dần trở thành một phòng thu âm di động.

Rives đang làm việc với hệ thống âm thanh mà Cadillac trang bị cho các mẫu xe mới nhất, bao gồm chiếc Celestiq trị giá 360.000 USD. Ông điều chỉnh công nghệ Dolby Atmos — hệ thống âm thanh không gian ba chiều — để tạo cảm giác như nghệ sĩ đang biểu diễn ngay trong khoang xe. Trong bản phối, giọng của SZA di chuyển từ phía trước ra phía sau như thể cô đang bước đi giữa hai người nghe.

“Ngày nay, ô tô là nơi phổ biến nhất để mọi người nghe nhạc,” Tim Pryde, giám đốc chiến lược kinh doanh của Dolby Atmos Music, nhận định. “Điều đó đến từ sự kết hợp giữa hệ thống phát trực tuyến và radio.” Ông cho biết thêm, xe hơi cũng là nơi người dùng thường xuyên nghe podcast và sách nói, khiến nhu cầu về chất lượng âm thanh ở mức cao chưa từng có.

Nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc, sau khi trải nghiệm công nghệ Dolby tại rạp chiếu và hệ thống nghe tại gia, đã chủ động đề nghị Dolby đưa công nghệ này lên ô tô. Pryde chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu nhận được rất nhiều lời đề nghị từ cộng đồng, kiểu như: ‘Bao giờ Dolby mới xuất hiện trên xe ô tô vậy?’”

cadillac.jpg
Chiếc Cadillac Celestiq phát các bản nhạc hỗ trợ Dolby Atmos qua 38 loa AKG — bao gồm cả một cặp được tích hợp vào tựa đầu của mỗi ghế. Hình ảnh: David Westphal/Cadillac

Các hãng ô tô từ lâu đã chú trọng đến trải nghiệm âm thanh bên trong xe, bắt đầu từ âm thanh đặc trưng của động cơ. Với nhiều người, tiếng gầm của động cơ V12 trên một chiếc Ferrari đủ khiến tim đập thình thịch. Với người khác, đó là âm thanh trầm chắc của động cơ V8 trên một chiếc Corvette.

Họ cũng tìm cách khơi dậy cảm xúc từ những âm thanh tưởng chừng rất bình thường: tiếng cửa đóng chắc nịch của Mercedes-Benz G-Wagen, tiếng cần gạt mưa, hay tiếng khóa cửa bíp bíp quen thuộc. Xe điện cũng tham gia cuộc chơi, dù gần như không tạo ra âm thanh tự nhiên. Năm 2019, BMW đã mời nhà soạn nhạc Hans Zimmer sáng tác nhạc nền cho hệ truyền động điện của hãng. Tesla thì chọn cách táo bạo hơn: tích hợp cả tiếng xì hơi giả vào mẫu Cybertruck.

Bạn không cần phải là người mê xe để hiểu rằng việc nghe nhạc khi lái xe là một trong những thú vui thuần khiết nhất. Đó có thể là cảm giác thư thái khi ngả lưng trên ghế và nghe Jimmy Buffett hát về nắng, cát và gió. Hoặc là sự phấn khích khi giọng hát của Chaka Khan vang lên trong khoang lái một chiếc coupe thể thao. Không điều gì gợi lại nhiều kỷ niệm hơn việc lái xe cùng bản nhạc yêu thích. Rives nói ngắn gọn: “Mối quan hệ giữa xe hơi và âm nhạc là một điều thiêng liêng.”

Mối gắn bó này đã hình thành từ lâu. Từ những năm 1930, Motorola đã sản xuất radio AM cho ô tô — cái tên “Motorola” sau này được lấy từ một trong những mẫu radio đó. Năm 1965, Ford hợp tác với Motorola để giới thiệu máy nghe băng 8-track tích hợp trong xe. Đến thập niên 1980, Mercedes-Benz bắt đầu trang bị đầu đĩa CD trên ô tô. Tuy nhiên, phải đến những năm 2000, sau sự ra đời của radio vệ tinh, iPod (2001) và iPhone (2007), người dùng mới thực sự có thể mở nghe toàn bộ thư viện âm nhạc cá nhân khi đang di chuyển.

“Nếu dàn âm thanh đủ hay thì ngay cả những vị hành khách khó tính nhất cũng sẽ chú ý,” Ben Wiebe, một người mê âm thanh sống ở Albuquerque, bang New Mexico, chia sẻ. Anh gọi chiếc Honda Element của mình là “phòng hòa nhạc di động”. “Họ sẽ không nói ‘thêm bass vào’, mà chỉ bảo: ‘Tăng âm lượng lên!’”

Từ đầu những năm 2000, nhiều hãng xe bắt đầu tích hợp hệ thống âm thanh cao cấp — như Bentley với Naim Audio, Audi với Bang & Olufsen, Mercedes-Benz cùng Burmester, và BMW với Bowers & Wilkins. Tuy nhiên, thị trường nâng cấp hậu mãi vẫn phát triển mạnh, cho thấy các hệ thống tiêu chuẩn thường chưa đáp ứng đủ kỳ vọng người dùng. Một dàn loa cao cấp từ các thương hiệu như Focal có thể tiêu tốn vài nghìn USD, chưa kể chi phí lắp đặt riêng.

Pavel Suslov, một người mê xe, cho biết chiếc Dodge Ram 1500 đời 2004 của anh từng được mệnh danh là chiếc bán tải “ồn nhất” ở quê nhà St. Petersburg, Nga. “Một trong những việc đầu tiên tôi làm với chiếc Ram là thay dàn âm thanh,” anh kể. “Tôi ghét hệ thống loa cũ. Nghe nó cứ... sai sai.”

Suslov đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cách nâng cấp hệ thống, cuối cùng độ lại chiếc bán tải của mình với subwoofer gắn dưới ghế, bảng cửa thiết kế lại để lắp thêm loa, cùng dàn loa rạp hát tần số cao gắn khắp xe. “Việc tạo ra âm thanh chất lượng trong không gian nhỏ là một thách thức lớn,” anh nói. “Nhưng thành quả hoàn toàn xứng đáng, bởi nó mang lại cho tôi những cảm xúc và kỷ niệm đáng nhớ.”

Theo dữ liệu từ Dolby, hơn 90% người dùng các nền tảng phát nhạc trực tuyến cho biết chất lượng âm thanh cao là tính năng bắt buộc khi nghe nhạc trong xe — và họ sẵn sàng trả thêm tiền để có được trải nghiệm đó. Pryde cho biết: “Trong rất nhiều khảo sát mà chúng tôi thực hiện với thế hệ Gen Z, họ nói rằng: ‘Tôi muốn âm nhạc thực sự chạm đến cảm xúc của mình. Không phải kiểu nghe qua loa laptop, mà là trong xe — nơi tôi có thể hoàn toàn đắm chìm vào chúng.’”

Công nghệ Atmos khắc phục giới hạn trái–phải của âm thanh stereo truyền thống bằng cách tạo ra không gian âm thanh ba chiều, nơi từng chi tiết trong bản nhạc có thể di chuyển chính xác theo vị trí. Mỗi ca khúc đều đi kèm bộ dữ liệu riêng do kỹ sư âm thanh như Rives xây dựng, giúp hệ thống phát lại xác định cách tái tạo âm thanh sao cho đúng với ý đồ nghệ thuật ban đầu.

Khi ngồi cùng Pryde trên chiếc Cadillac Optiq, tôi bất ngờ nghe được cả tiếng Prince thở nhẹ trước khi cất giọng hát trong phần điệp khúc When Doves Cry — một chi tiết tôi chưa từng nhận ra, dù đã nghe bài hát này không dưới vài chục lần.

Theo Dolby, hiện có đến 93 trong số 100 nghệ sĩ hàng đầu bảng xếp hạng Billboard đang sử dụng công nghệ âm thanh này trong sản phẩm của họ. Các hệ thống phát nhạc hỗ trợ Atmos cũng đang dần trở thành trang bị tiêu chuẩn trên nhiều dòng xe siêu sang, như mẫu SUV điện Lotus Eletre Carbon trị giá 230.000 USD.

Chỉ trong một năm, số lượng hãng xe tích hợp công nghệ Atmos đã tăng từ 10 lên hơn 20, bao gồm Mercedes-Benz, Rivian, Polestar, Volvo, và mới nhất là Porsche vào tháng Ba vừa qua.

“Công nghệ âm thanh tại gia và trên tai nghe ngày càng phát triển,” Ken Kornas, giám đốc sản phẩm phụ trách mẫu Cadillac Celestiq, nhận định. “Khách hàng của chúng tôi cũng mong muốn có được trải nghiệm âm thanh cao cấp nhất ngay bên trong chiếc xe của mình.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/am-thanh-tro-thanh-chuan-muc-xa-xi-moi-trong-nganh-o-to-53322.html

#Kendrick Lamar
#Super Bowl LIX
#Grammy
#Bob Dylan
#Billie Eilish
#Bob Marley
#Cadillac
#Ferrari
#Corvette
#Cybertruck
#Tesla
#Bentley
#Mercedes-Benz
#Audi
#Gen Z
#Billboard
#Volvo
#Porsche

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media