Công nghệ

UAE tụt lại trong cuộc đua AI toàn cầu

Dù từng nuôi tham vọng xây dựng các mô hình AI cạnh tranh, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đang dần chuyển hướng sang tích hợp công nghệ từ đối thủ, khi Falcon tụt hạng, Jais bị cắt vốn, và làn sóng AI toàn cầu ngày càng bị thống trị bởi Mỹ và Trung Quốc.

CEO của G42, Peng Xiao (bên trái), cùng Sam Altman của OpenAI. Nguồn: G42

CEO của G42, Peng Xiao (bên trái), cùng Sam Altman của OpenAI. Nguồn: G42

Tác giả: Mark Bergen và Omar El Chmouri

06 tháng 5, 2025 lúc 1:17 PM

Chỉ vài tháng sau khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022, các phòng thí nghiệm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố đã phát triển được những đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Dẫn đầu là Falcon — một hệ thống trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở được chính phủ hậu thuẫn — và Jais, mô hình được đặt theo tên đỉnh núi cao nhất của quốc gia này.

“AI không còn là một giấc mơ xa vời, mà đã trở thành hiện thực,” Peng Xiao, tổng giám đốc tập đoàn công nghệ G42 của UAE, tuyên bố vào năm 2023, không lâu sau khi công ty ra mắt mô hình Jais.

Tuy nhiên, đến nay, giấc mơ phát triển các mô hình AI cạnh tranh do UAE tự xây dựng vẫn còn khá xa vời. Falcon đang tụt lại đáng kể so với các lựa chọn hàng đầu từ Mỹ, cả về số người dùng lẫn xếp hạng. Cùng lúc đó, G42 đã rút nguồn lực khỏi Jais và chuyển hướng sang phát triển các tính năng tùy chỉnh dựa trên những mô hình AI của bên thứ ba, bao gồm cả OpenAI.

“Thời gian đầu, chúng tôi không hình dung được các mô hình nền tảng sẽ tiến xa đến đâu, cũng như cần những gì để đạt được bước tiếp theo,” ông Xiao nói với Bloomberg News vào tháng 4. “Với UAE, điều đó đơn giản là không thực tế.”

Sau hơn hai năm bùng nổ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI), cuộc đua toàn cầu đang dần thu hẹp thành cạnh tranh giữa hai quốc gia. Nhiều công ty Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu nhờ những khoản đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ chip, trung tâm dữ liệu và nhân lực để phát triển những mô hình lớn và mạnh nhất. Trong khi đó, Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp bằng cách tung ra hàng loạt mô hình mã nguồn mở giá rẻ nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Đối với phần lớn các quốc gia khác — kể cả những nước giàu như UAE — việc theo kịp ngày càng trở nên khó khăn.

Tại Trung Đông và châu Âu, nhiều dự án AI từng được kỳ vọng nay đã thu hẹp quy mô hoặc gần như bị bỏ dở. Aleph Alpha của Đức, từng được xem là đối trọng của OpenAI tại châu Âu, đã đi theo hướng tương tự G42 từ năm ngoái. Stability AI ở Anh — một trong những đơn vị tiên phong — đang suy yếu nghiêm trọng do khủng hoảng quản lý. Ngay cả Mistral của Pháp, dù được rót vốn lớn và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ, đến nay vẫn chưa tạo được sức hút thương mại rõ ràng hay thu hút cộng đồng lập trình viên.

Tại Trung Đông và nhiều khu vực khác, các doanh nghiệp đang đặt lại câu hỏi: liệu việc xây dựng mô hình AI hiện đại từ đầu có còn xứng đáng với chi phí bỏ ra? Theo ông Kiril Evtimov, người điều hành mảng điện toán đám mây Core42 của G42, Jais có thể trở thành một mô hình tiên phong nếu được tiếp tục đầu tư. “Nhưng liệu đó có phải là chiến lược đúng đắn để chúng tôi giành thị phần không? Có lẽ là không.”

Năm 2023, UAE thành lập công ty mới có tên AI71 — được quảng bá là đơn vị thương mại hóa Falcon, mô hình do một viện nghiên cứu của chính phủ phát triển. Tuy nhiên, AI71 sau đó cũng theo bước G42 và Aleph Alpha, chuyển sang phát triển công cụ AI chuyên biệt cho từng ngành, dựa trên nhiều mô hình khác nhau, trong đó có Falcon, theo người phát ngôn của công ty.

Dù vẫn là mô hình AI có tính cạnh tranh cao nhất của UAE, Falcon đang gặp khó trong việc theo kịp các mô hình mã nguồn mở do Meta Platforms và DeepSeek của Trung Quốc phát triển. Năm 2023, Viện Đổi mới Công nghệ (TII) — đơn vị phát triển Falcon — từng quảng bá rằng hệ thống này đứng đầu bảng xếp hạng mô hình mã nguồn mở trên Hugging Face, nền tảng được ngành theo dõi sát sao. Nhưng đến tuần trước, Falcon đã không còn nằm trong top 500 trên bảng xếp hạng này.

Theo đại diện của TII, Falcon đã được tải về hơn 55 triệu lần — con số vẫn còn rất nhỏ so với hơn 1 tỷ lượt tải của loạt mô hình Llama do Meta phát triển. Người này cho biết thêm rằng Falcon sắp được tích hợp vào các giải pháp an ninh mạng, robot và điện toán đám mây. “Giá trị của một mô hình không chỉ nằm ở điểm số ban đầu, mà còn ở khả năng đóng góp và thúc đẩy đổi mới về lâu dài,” người này nhấn mạnh.

Trong khi đó, G42 đang tìm cách tham gia làn sóng AI theo một hướng khác, thay vì tự phát triển mô hình. Mảng trung tâm dữ liệu của công ty đang mở rộng tại khu vực vùng Vịnh. Đồng thời, quỹ đầu tư MGX do G42 đồng sáng lập cũng đã rót vốn vào các công ty phát triển AI tại Mỹ như OpenAI và xAI.

Một số quốc gia vẫn tiếp tục nỗ lực cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Tháng 1 năm nay, chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ hỗ trợ 18 đề án xây dựng mô hình nền tảng AI, với cam kết rằng các mô hình này sẽ “cạnh tranh với những gì tốt nhất thế giới đang có.” Năm ngoái, cơ quan AI quốc gia của Ả Rập Xê Út cũng bắt tay với IBM để triển khai mô hình AI nội địa ALLaM thông qua dịch vụ điện toán đám mây của hãng.

Theo giáo sư Michael Bronstein thuộc Đại học Oxford, nhiều quốc gia chọn phát triển mô hình AI có chủ quyền để kiểm soát quá trình huấn luyện, từ đó điều chỉnh cách các hệ thống vận hành và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Phát biểu tại hội nghị Machines Can See ở Dubai, ông cho rằng sự phổ biến của các mô hình mã nguồn mở đang khiến chiến lược này khó duy trì lợi thế cạnh tranh.

Một số mô hình nói trên còn được giới thiệu như công cụ phục vụ các ngôn ngữ và cộng đồng không được đại diện đầy đủ bởi các mô hình AI từ Mỹ. Các công ty như OpenAI chủ yếu huấn luyện mô hình bằng dữ liệu trên Internet, vốn phần lớn là tiếng Anh. Tuy nhiên, theo bà Nour Al Hassan — tổng giám đốc điều hành công ty dịch thuật Tarjama tại Dubai — không nhất thiết phải xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn mới có thể phục vụ cộng đồng nói tiếng Ả Rập.

Startup Arabic.AI do công ty bà phát triển gần đây đã tung ra một hệ thống AI được huấn luyện bằng cách tinh chỉnh nhiều mô hình lớn có sẵn — phương pháp mà bà cho rằng phù hợp hơn với các khách hàng doanh nghiệp có yêu cầu khắt khe về chi phí. “Bạn không cần những mô hình khổng lồ để xử lý các tác vụ chuyên biệt như cho một ngân hàng,” bà nói.

Jais của G42 cũng được thiết kế để hỗ trợ chatbot tiếng Ả Rập. Tháng 9 năm ngoái, G42 ra mắt thêm mô hình tiếng Hindi mang tên Nanda nhằm mở rộng hoạt động tại Ấn Độ. Theo ông Andrew Jackson, người điều hành bộ phận AI Inception của G42, công ty cùng các đối tác nghiên cứu sẽ tiếp tục cập nhật hai mô hình này.

“Nhưng đó không phải là trọng tâm thương mại của chúng tôi,” ông nói. “Chúng tôi cần tạo ra lợi nhuận.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/uae-tut-lai-trong-cuoc-dua-ai-toan-cau-53125.html

#ChatGPT
#UAE
#trí tuệ nhân tạo
#OpenAI
#Mỹ
#Trung Quốc
#Ấn Độ
#DeepSeek

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media