Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn biến nước này thành một “cường quốc vũ trụ.” Nhưng ưu thế dẫn trước khá xa của SpaceX và lo ngại về an ninh có thể cản trở các công ty khởi nghiệp tư nhân trong mảng hàng không vũ trụ ở đất nước tỉ dân.
Khán giả theo dõi Smart Dragon-3, do một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) nhà nước phát triển, phóng từ một bệ nổi ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 24 tháng 9. Hình ảnh: Tang Ke/Aval
Tác giả: Bruce Einhorn và Linda Lew
25 tháng 11, 2024 lúc 1:23 PM
Từ xe điện tới máy bay không người lái dân sự sang tấm pin mặt trời, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng nổi lên dẫn đầu thế giới trong các ngành tiên tiến mà chính phủ nước này coi là trọng yếu. Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà họ đã tỏ ra chậm chạp. Hơn một thập kỷ sau khi chủ tịch Tập Cận Bình ban hành các cải cách nhằm thúc đẩy giới doanh nghiệp khởi nghiệp mảng hàng không vũ trụ, các hãng sản xuất tên lửa và vệ tinh tư nhân Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa so với SpaceX, công ty đang đi đầu thế giới ở mảng này.
Công ty của Elon Musk hiện điều hành hơn 6.000 vệ tinh Starlink cung cấp Internet băng thông rộng từ Argentina tới Zimbabwe, trong khi các công ty Trung Quốc chỉ có vài chục vệ tinh như vậy. SpaceX đang tiên phong trong công nghệ tái sử dụng các cấu phần tên lửa, giúp công ty này cắt giảm chi phí, và hiện đang thử nghiệm tên lửa Starship có thể tái sử dụng lớn hơn đời cũ rất nhiều. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc vẫn dùng tên lửa sử dụng một lần với công nghệ cũ hơn.
Khách hàng từ khắp thế giới đang trả tiền để nhờ tên lửa của Musk đưa giúp hàng lên vũ trụ, nhưng tên lửa của Trung Quốc chủ yếu chỉ chở hàng Trung Quốc. Không có gì lạ khi SpaceX đã tổ chức khoảng 100 vụ phóng trong năm 2023, gấp tám lần so với tất cả các công ty khởi nghiệp Trung Quốc cộng lại. Năm nay khoảng cách này sẽ còn lớn hơn, khi họ chưa phóng được tới 10 lần, trong khi loạt tên lửa Falcon của Musk đã rời bệ phóng hơn 90 lần. (Nếu tính cả tên lửa của nhà nước, Trung Quốc cũng chỉ phóng tổng cộng 50 lần tính tới tháng 9.2024.)
“Tên lửa của họ hiện đã phóng thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ thương mại, trong khi Trung Quốc chưa làm chủ được công nghệ này,” theo Huo Liang, CEO của Deep Blue Aerospace, công ty khởi nghiệp phát triển tên lửa cùng bệ phóng có thể tái sử dụng.
Trung Quốc muốn thay đổi vị thế hạng hai của họ hiện giờ ở mảng này. Trong khi các công ty vũ trụ Trung Quốc hoạt động ổn so với những đối thủ châu Âu, Ấn Độ hay Nhật Bản, ông Tập không muốn so sánh với các đối thủ hạng hai hay hạng ba này. Mục tiêu, như ông chỉ ra trong cuộc gặp các nhà khoa học vũ trụ ngày 23.9.2024 ở Bắc Kinh, là “biến Trung Quốc thành cường quốc vũ trụ.”
Chính quyền đang hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ nhiều hơn, nhắm vào công nghệ tên lửa tái sử dụng, gồm một trung tâm mới ở Bắc Kinh hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Vào tháng 9.2024, các công ty khởi nghiệp Deep Blue và LandSpace Technology đã tiến hành những thử nghiệm tham vọng nhất cho tới nay với kỹ thuật cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (yêu cầu bắt buộc với tên lửa có thể tái sử dụng), và một số công ty khởi nghiệp lẫn doanh nghiệp nhà nước đặt mục tiêu sẽ tổ chức phóng vào năm 2025 và 2026.
Các hãng sản xuất vệ tinh của Trung Quốc cũng đang tăng tốc quyết liệt và mở rộng mạng lưới vệ tinh liên lạc quanh quỹ đạo. Vào tháng 8.2024, một tên lửa Trung Quốc đã đưa lên quỹ đạo 18 vệ tinh Spacesail mới, nhóm đầu tiên trong chùm vệ tinh quỹ đạo trái đất tầm thấp (low-Earth orbit, LEO) đã được mong chờ một thời gian với ý định cạnh tranh cùng Starlink. Vào tháng 9.2024, Geespace, chi nhánh của tập đoàn xe hơi Trung Quốc Zhejiang Geely Holding Group, đã phóng 10 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất tầm thấp, đợt phóng thứ hai của họ trong năm nay. Geely hiện có 30 vệ tinh và dự tính sẽ sở hữu chùm 72 vệ tinh vào cuối năm 2025.
Chính quyền muốn tạo điều kiện cho các vụ phóng này qua hạ tầng mới do nhà nước đầu tư cho các hãng thương mại sử dụng. Khu phức hợp mới nằm bên bờ biển đảo Hải Nam sẽ có thể dùng cho hơn 10 loại tên lửa và thực hiện hơn 30 vụ phóng mỗi năm. Truyền thông nhà nước cho biết vụ phóng tên lửa do tư nhân phát triển đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2025.
Cho tới nay, Hải Nam là khu vực dành riêng cho các công ty nhà nước Trung Quốc có liên hệ với quân đội, trong khi công ty khởi nghiệp tư nhân phải dùng cơ sở sâu trong nội địa hay bệ phóng nổi xa bờ. “So với Mỹ, Trung Quốc gặp bất lợi về vấn đề khu phóng tên lửa phù hợp,” theo Jianwei Li, đối tác điều hành ở Zhencheng Capital, công ty vốn đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang bỏ tiền cho Deep Blue.
Gần khu phóng tên lửa là trung tâm siêu máy tính không gian Wenchang, vừa hoàn tất năm ngoái với chi phí khoảng 1,2 tỉ nhân dân tệ (169 triệu đô la Mỹ). Cơ sở siêu máy tính duy nhất của Trung Quốc này tập trung vào ngành hàng không vũ trụ, với 36 máy tính trang bị bộ xử lý đồ họa A100 của Nvidia, mua được từ trước khi Mỹ cấm xuất khẩu các con chip tân tiến đấy sang Trung Quốc vào năm 2022.
“Cũng có ý kiến nói nhà nước lẽ ra phải
làm được nhiều hơn” cho ngành này, theo R.
Lincoln Hines, giáo sư ở trường Quan hệ quốc
tế Sam Nunn, viện Công nghệ Georgia. Cơ sở
mới ở Hải Nam cho thấy “đã có sự thay
đổi mức độ hỗ trợ với ngành hàng không
thương mại.”
Tuy nhiên, hoạt động của lĩnh vực tư nhân ở Trung Quốc sẽ có giới hạn. Các công ty khởi nghiệp ở đây không nhận được nhiều hậu thuẫn chính thức như công ty của Musk, vốn trong hai thập kỷ qua đã nhận được các hợp đồng trị giá hơn 18 tỉ đô la từ NASA, Lầu năm góc và các khách hàng khác trong chính quyền liên bang. Chính quyền Trung Quốc chủ yếu vẫn chỉ đổ tiền vào các doanh nghiệp nhà nước có quan hệ với quân đội.
Và do phát triển chùm vệ tinh LEO là ưu tiên hàng đầu, chính quyền ít khả năng phó thác hoàn toàn cho các công ty khởi nghiệp, theo Alanna Krolikowski, giáo sư khoa học chính trị ở đại học Khoa học và Công nghệ Missouri. “Câu trả lời của Trung Quốc với Starlink không phải là một dự án thương mại truyền thống, mà là hạ tầng tối quan trọng với quốc gia,” bà phân tích. “Phát triển ngành này là điều bắt buộc với họ.”
Ngay cả nếu doanh nghiệp nhà nước vẫn có vai trò dẫn dắt trong những dự án không gian có tầm quan trọng chiến lược, các công ty khởi nghiệp sẽ đóng góp ngày càng nhiều trong những năm sắp tới, theo Clayton Swope, nghiên cứu viên cao cấp ở trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington.
“Trung Quốc đang đi sau khá xa,” ông nói. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa Bắc Kinh có thể đi theo lộ trình mà chính quyền Mỹ, dù Dân chủ hay Cộng hòa, đã vạch ra để hậu thuẫn SpaceX tăng trưởng. Ông Tập có thể “quay lại 10 năm trước xem mọi chuyện diễn ra thế nào,” Swope nói, “vì họ đang sao chép những gì đã hiệu quả ở Mỹ.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-doc-suc-chay-dua-vao-khong-gian-voi-elon-musk-52586.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media