Ý kiến

Tại sao Huawei lại hạ thấp thành tựu chip của mình?

Mặc lời khen ngợi từ CEO Nvidia, ngành phần cứng AI nội địa Trung Quốc đang ở ngã ba đường.

Việc giữ tầm nhìn về cuộc chiến dài hơi giành ưu thế công nghệ là yếu tố then chốt. Hình ảnh: Raul Ariano/Bloomberg

Việc giữ tầm nhìn về cuộc chiến dài hơi giành ưu thế công nghệ là yếu tố then chốt. Hình ảnh: Raul Ariano/Bloomberg

Tác giả: Catherine Thorbecke

16 tháng 6, 2025 lúc 6:19 AM

Câu nói của một lãnh đạo công nghệ như vậy nghe có vẻ lạ. Nhưng nhà sáng lập Huawei Technologies, ông Nhậm Chính Phi, mới đây cho biết người Mỹ đã “phóng đại” thành tựu về chip của Huawei, vốn “vẫn còn thua kém Mỹ một thế hệ.”

Khi nói đến cuộc đua phát triển phần cứng để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), ông thừa nhận công ty ông “vẫn chưa thật sự mạnh mẽ như vậy.” Phát biểu này được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn dài đăng ngay trang nhất của tờ Nhân Dân Nhật Báo tuần này. Dù vậy, ông Nhậm vẫn khẳng định “không cần lo lắng” về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ, vì bằng cách gom nhiều chip Huawei lại (gọi là clustering), chúng vẫn có thể sánh ngang với sản phẩm từ các đối thủ toàn cầu.

Những phát biểu này — đã gây tiếng vang quốc tế và lan truyền trên mạng Weibo ở Trung Quốc — thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn. Nhưng thực tế là cả hai điều đều đúng. Chúng cho thấy Trung Quốc đang ở điểm bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển AI, nơi các lợi ích cạnh tranh đang tranh giành quyền kiểm soát tương lai. Hiểu được điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đang được đưa lên bàn đàm phán thương mại.

Một phần lý do khiến sự khiêm tốn của ông Nhậm gây bất ngờ là vì CEO của Nvidia, Jensen Huang, gần như suốt năm qua đã hết lời ca ngợi đột phá của Huawei. Ông Huang cho rằng Trung Quốc “không hề tụt hậu” trong lĩnh vực AI và gọi riêng Huawei là “một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới.”

Tuy nhiên, cần nhìn nhận lời khen này một cách thận trọng: các biện pháp trừng phạt từ Washington đã khiến Nvidia mất hàng tỉ đô la. Ông Huang nhiều lần than phiền về việc thị phần của Nvidia tại Trung Quốc lao dốc vì vòng kiểm soát xuất khẩu ngày càng gắt — điều này chủ yếu làm lợi cho Huawei, vốn từ lâu đã là mục tiêu của Mỹ.

Đáng chú ý là báo chí Trung Quốc không đưa tin nhiều về các lời khen đó. Điều này cho thấy tham vọng của ông Huang — muốn AI Trung Quốc chạy trên chip Mỹ — không phù hợp với mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh. Dù các công ty trong nước có thể vẫn muốn tiếp cận chip Nvidia, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng mong muốn dài hạn phải tự chủ về công nghệ.

Dù vậy, ông Nhậm hoàn toàn đúng khi nói các lựa chọn thay thế trong nước vẫn chưa thể đáp ứng kỳ vọng. Huawei chưa phải là lựa chọn số một cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Alibaba, ByteDance hay Tencent đã chi hàng tỉ đô la để tích trữ chip Nvidia trước khi các lệnh hạn chế mới được áp dụng, thay vì chuyển sang dùng chip Huawei để huấn luyện và vận hành các mô hình AI.

Theo một báo cáo gần đây của The Information, chip Huawei có xu hướng bị quá nhiệt, và chức năng phần mềm của chúng thua xa Nvidia. Công ty chủ yếu bán được nhiều chip cho các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương — những nơi sẵn sàng thể hiện sự ủng hộ đối với các ưu tiên của Bắc Kinh (ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu không dùng đến). Trong khi đó, phần lớn các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc vẫn chưa đặt hàng lớn với Huawei. Đuổi kịp “chặng cuối cùng” vẫn là thử thách lớn nhất đối với hãng này.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Huawei không thể vươn lên dẫn đầu ở thị trường nội địa. Để làm được điều này cần một sự chuyển hướng lớn, đặc biệt khi phần lớn doanh nghiệp — kể cả “ngôi sao AI” DeepSeek — đều đã xây dựng nền tảng trên hệ sinh thái của Nvidia. Nhưng nếu DeepSeek hoặc một vài công ty đầu ngành khác chuyển sang dùng hệ sinh thái Huawei, điều đó có thể tạo hiệu ứng dây chuyền buộc các nhà phát triển khác phải theo, mở đường cho kỷ nguyên AI Trung Quốc chạy hoàn toàn trên chip nội địa.

Bắc Kinh hiện đang dùng mọi đòn bẩy có thể để thúc đẩy ngành đi theo hướng đó. Mục tiêu này đã có từ trước khi Mỹ áp đặt hạn chế xuất khẩu, nhưng áp lực bên ngoài rõ ràng đang buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh chiến lược tự cường.

Trong bài phỏng vấn với cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Nhậm dự đoán sự phát triển của AI sẽ “kéo dài hàng thập niên, thậm chí hàng thế kỷ.” Ông có lý. Và có lẽ hơn bất kỳ điều gì, việc giữ được tầm nhìn dài hạn trong cuộc chiến giành ưu thế công nghệ là điều quan trọng với Washington — đặc biệt khi các nhà đàm phán có thể dễ bị cuốn vào các chiến thắng thuế quan ngắn hạn.

Bởi lẽ, dù chip của Huawei hiện tại vẫn còn tụt hậu, chúng đang tiến gần đến một bước ngoặt quyết định.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tai-sao-huawei-lai-ha-thap-thanh-tuu-chip-cua-minh-53466.html

#Huawei
#Nhậm Chính Phi
#Nvidia
#Jensen Huang
#DeepSeek
#Nhân dân nhật báo

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media