Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Indonesia đồng ý thuế 19% với hàng xuất sang Mỹ và sẵn sàng mua thêm nông sản, năng lượng và máy bay Boeing của Mỹ.
Hình ảnh: Muhammad Fadli/Bloomberg
Tác giả: Hadriana Lowenkron và Catherine Lucey
16 tháng 07, 2025 lúc 9:34 AM
Tóm tắt bài viết
Tổng thống Donald Trump thông báo Indonesia sẽ chịu thuế 19% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Mỹ không bị đánh thuế và có toàn quyền tiếp cận thị trường Indonesia.
Indonesia đồng ý mua 15 tỷ đô la năng lượng, 4,5 tỷ đô la sản phẩm nông nghiệp và 50 máy bay Boeing, bao gồm nhiều chiếc 777, theo thỏa thuận với Mỹ.
Ông Trump nhấn mạnh nếu có hoạt động trung chuyển hàng hóa từ quốc gia chịu thuế cao hơn, mức thuế đó sẽ cộng thêm vào thuế Indonesia phải trả.
Thỏa thuận được công bố sau khi Indonesia đối mặt với mức thuế lên tới 32%, và là thỏa thuận đầu tiên sau cảnh báo áp thuế từ Mỹ trước thời hạn 1/8.
Các quan chức Indonesia xác nhận đang chuẩn bị tuyên bố chung với Mỹ về các biện pháp phi thuế và thỏa thuận thương mại, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Airlangga Hartarto và các quan chức Mỹ.
Tóm tắt bởi AI HAY
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Indonesia, theo đó hàng hóa từ quốc gia Đông Nam Á này sẽ chịu mức thuế 19%, trong khi hàng xuất khẩu từ Mỹ sẽ không bị đánh thuế.
“Họ phải trả 19%, còn chúng ta không phải trả gì,” ông Trump nói với báo giới hôm thứ Ba (15.7) tại Nhà Trắng. “Chúng ta sẽ có toàn quyền tiếp cận thị trường Indonesia.”
Trong tuần qua, ông Trump đã gửi thư áp thuế đến nhiều đối tác thương mại nhằm gây áp lực lên tiến trình đàm phán, trước thời hạn chót ngày 1.8 khi mức thuế cao hơn dự kiến sẽ có hiệu lực. Thỏa thuận với Indonesia — quốc gia từng đối mặt với mức thuế lên tới 32% — là thỏa thuận đầu tiên đạt được sau những cảnh báo này, giúp hạ mức thuế như kỳ vọng của Mỹ.
Ông Trump cho biết Indonesia cũng đã đồng ý mua 15 tỉ đô la năng lượng, 4,5 tỉ đô la sản phẩm nông nghiệp và 50 máy bay Boeing, trong đó “nhiều chiếc là dòng 777”.
Ông nhấn mạnh rằng nếu có hoạt động trung chuyển hàng hóa từ một quốc gia đang chịu thuế cao hơn, mức thuế đó sẽ được cộng thêm vào thuế mà Indonesia đang phải trả.
Tuy vậy, thị trường vẫn thận trọng trước các tuyên bố thương mại của ông Trump, do ông từng nhiều lần thay đổi mức thuế và thời hạn kể từ khi công bố chính sách đánh thuế theo từng quốc gia vào ngày 2.4, sau đó nhanh chóng tạm hoãn. Cổ phiếu Boeing đã tăng tới 0,8% sau thông báo này, trong khi đồng đô la Mỹ tăng 0,4% trong ngày thứ Ba. Chỉ số S&P 500 gần như không đổi sau khi vượt mốc 6.300 điểm trước đó.
Thỏa thuận với Indonesia ban đầu được ông Trump công bố trên mạng xã hội nhưng không nêu rõ chi tiết. Ông cho biết đã làm việc trực tiếp với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto để hoàn tất thỏa thuận.
Nhiều quan chức Indonesia xác nhận rằng họ đang chuẩn bị tuyên bố chung với Mỹ để công bố thêm thông tin, bao gồm các biện pháp phi thuế và các thỏa thuận thương mại. Thư ký Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, Susiwijono Moegiarso, xác nhận điều này qua tin nhắn vào tối thứ Ba tại Jakarta.
Tuần trước, bộ trưởng Airlangga Hartarto, trưởng đoàn đàm phán của Indonesia, đã gặp các quan chức Mỹ, bao gồm Đại diện Thương mại Jamieson Greer, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, để hoàn thiện các điều khoản của thỏa thuận.
Trước đó, Indonesia từng đề xuất mức thuế gần như bằng 0 cho khoảng 70% hàng nhập khẩu từ Mỹ, kèm theo các cam kết thương mại trong lĩnh vực khoáng sản chiến lược, năng lượng, nông nghiệp và quốc phòng. Tuy nhiên, đề xuất này không đủ để thuyết phục ông Trump hạ mức thuế từ 32% — mức đã được ông đưa ra từ tháng 4.
Thỏa thuận với Indonesia là khuôn khổ thương mại thứ tư mà ông Trump công bố kể từ khi tạm hoãn chính sách áp thuế theo từng nước, sau các thỏa thuận với Việt Nam và Anh. Mỹ và Trung Quốc cũng đã đạt được một thỏa thuận đình chiến thuế quan, theo đó hai nước đồng ý nối lại giao dịch khoáng sản chiến lược và công nghệ.
Tuy nhiên, các thỏa thuận mà ông Trump công bố đến nay vẫn chưa đầy đủ về nội dung, với nhiều chi tiết cần tiếp tục đàm phán. Tuần trước, ông không cung cấp bất kỳ văn bản nào để chứng minh tuyên bố rằng đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam đã bị bất ngờ trước tuyên bố rằng Hà Nội đã đồng ý với mức thuế 20%, và theo các nguồn tin am hiểu, chính phủ Việt Nam vẫn đang tìm cách giảm mức thuế này.
Chính sách thuế của Tổng thống Trump tiếp tục khiến các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Các đối tác vội vã tìm cách tránh mức thuế cao hơn, trong khi thị trường lại đối mặt với thêm một đợt bất ổn mới. Hôm thứ Hai (14.7), ông Trump cho biết ông vẫn muốn giữ các mức thuế đã nêu trong thư gửi các nước, đồng thời tuyên bố: “Tôi thật sự không cần đạt được thỏa thuận. Tôi chỉ cần họ nhận thư là đủ.”
Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẵn sàng tiếp tục đàm phán với các nền kinh tế lớn, bao gồm Liên minh châu Âu.
Trong tuần qua, ông đã liên tục gửi thư yêu cầu áp thuế đến nhiều quốc gia, thông báo về các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.8 nếu các nước không đạt được điều khoản có lợi hơn với Mỹ. Những bức thư này đã gia hạn thời hạn ban đầu là ngày 9.7 thêm ba tuần, mở ra một vòng đàm phán mới đầy căng thẳng.
Hàng loạt lời đe dọa áp thuế từ ông Trump đã buộc nhiều nền kinh tế phải mở rộng quan hệ thương mại ra ngoài phạm vi nước Mỹ. Cuối tuần qua, Indonesia đã đạt được một thỏa thuận kinh tế sơ bộ với EU.
“Nhiều quốc gia đang tỏ ra thất vọng trước các thỏa thuận kiểu này, và ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về việc tìm kiếm lựa chọn thay thế Mỹ, trong đó có châu Âu,” Erin Murphy, chuyên gia kinh tế châu Á mới nổi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Các quốc gia Đông Nam Á — vốn không muốn chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc — từ lâu đã mắc kẹt giữa các cuộc đối đầu kinh tế và chính trị của hai siêu cường. Trong khi Việt Nam được cho là đang tiến xa hơn trong đàm phán thương mại với Mỹ, Thái Lan vẫn đang cân nhắc cách giảm thuế mà không nhượng bộ quá nhiều, nhằm tránh gây bất ổn trong nước.
Giới chức Philippines cũng đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận trước thời hạn mới, trong bối cảnh Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. dự kiến sẽ đến thăm Washington vào cuối tháng này nhằm tìm cách giảm hoặc xóa bỏ mức thuế 20% mà Mỹ có thể áp lên quốc đảo này.
— Với sự hỗ trợ của Grace Sihombing và Claire Jiao
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ong-trump-tuyen-bo-hang-hoa-indonesia-vao-my-chiu-thue-19-53790.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media