Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Thị trường trái phiếu sẽ có tiếng nói cuối cùng về đạo luật to lớn đẹp đẽ của Trump, theo Tom Orlik.
Hình ảnh: Tonje Thilesen cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Tom Orlik
26 tháng 6, 2025 lúc 8:07 AM
Tóm tắt bài viết
Cựu vô địch quyền Anh Mike Tyson ví von việc giảm nợ công của Mỹ như việc "ăn đấm vào mặt" khi kế hoạch ban đầu gặp thách thức từ thị trường trái phiếu.
Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump bao gồm cắt giảm chi tiêu (Medicaid, năng lượng sạch) và kéo dài cắt giảm thuế, bù đắp bằng thuế quan cao hơn, dựa trên lý thuyết đường cong Laffer.
Bloomberg Economics dự báo thâm hụt ngân sách năm nay của Mỹ vẫn ở mức gần 6% GDP, dù đã có các biện pháp điều chỉnh từ chính quyền Tổng thống Trump.
Đạo luật "to lớn đẹp đẽ" đang được xem xét chủ yếu tập trung giảm thuế, dự kiến làm tăng thêm khoảng 2,4 nghìn tỷ đô la Mỹ vào nợ quốc gia trong thập kỷ tới.
Moody’s đã hạ bậc xếp hạng tín dụng chủ quyền của Mỹ xuống Aa1, phản ánh lo ngại về tình hình nợ công, với lợi suất trái phiếu chính phủ 30 năm vượt 5%.
Tóm tắt bởi AI HAY
“Ai cũng có kế hoạch, cho đến khi bị đấm vào mặt,” nhà cựu vô địch quyền Anh hạng nặng và người sành ăn tai Mike Tyson từng nói như vậy. Chuyển từ võ đài sang đấu trường chính phủ, ai cũng có kế hoạch để giảm bớt nợ của Mỹ, cho đến khi họ bị thị trường trái phiếu đấm vào mặt.
Kế hoạch của tổng thống Donald Trump để quản lý nợ có thể được tóm gọn như sau. Về phía chi, cắt giảm mạnh lực lượng lao động của chính phủ và cắt bớt các chương trình như Medicaid và trợ cấp năng lượng sạch không phù hợp với các ưu tiên chính trị của ông. Về phía thu, kéo dài các đợt cắt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu của ông, với số tiền thu được từ thuế quan cao hơn sẽ bù đắp phần lớn khoản chênh lệch. Theo logic của đường cong Laffer khét tiếng, giảm thuế sẽ kích thích nền kinh tế, để thu nhập của chính phủ tăng lên ngay cả khi thuế suất giảm.
Đó không phải là kế hoạch mà ai cũng sẽ chấp nhận. Nhiều người xem chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản cần được mở rộng, chứ không phải bị tước bỏ. Những người khác muốn đảm bảo con cái họ được sống trên một hành tinh không phải là tảng đá trơ trụi vì biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Trump xứng đáng được ghi nhận vì nỗ lực và giàu trí tưởng tượng khi tìm cách giải quyết thách thức bộ máy quan liêu cồng kềnh khi tìm cách thiết kế sự chuyển đổi từ thuế sang thuế quan — giải pháp hai trong một mà tổng thống hy vọng sẽ thúc đẩy cỗ máy sản xuất Mỹ mà không làm cạn kiệt ngân khố.
Tuy nhiên, sẽ đến lúc sức mạnh của nguồn năng lượng MAGA, ngọn mâu này gặp phải chiếc thuẫn không thể vượt qua: bài toán thâm hụt ngân sách, và một trong hai thứ đó phải nhường đường. Trump thừa hưởng khoản thâm hụt mà vào năm 2024 lên tới 6,4% GDP của Mỹ, so với mức trung bình 3,8% trong nửa thế kỷ trước đó — giai đoạn bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19 gây thâm hụt lớn. Tính cả khoản tiết kiệm nhờ bộ Hiệu quả Chính phủ của Elon Musk và thu từ thuế quan, Bloomberg Economics dự báo thâm hụt năm nay sẽ không thấp hơn mức 6% GDP là bao.
Nói cách khác, ông Trump đang điều chỉnh mức thâm hụt, nhưng chưa đủ. Dưới đây là bốn lý do khiến Mỹ sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công. Nếu tình hình tiếp tục như hiện giờ, Mỹ sẽ phải giở trò “chân giò, chai rượu.”
Đầu tiên, phiên bản của đạo luật to lớn đẹp đẽ, sau khi được Hạ viện thông qua và hiện đang ở Thượng viện, chủ yếu là giảm thuế hơn là giảm chi tiêu. Chuyện đó không có gì ngạc nhiên: Giảm thuế được lòng dân; giảm chi tiêu thì không. Nếu được thông qua ở dạng hiện tại, đạo luật này sẽ làm tăng thêm khoảng 2,4 ngàn tỉ đô la Mỹ nợ quốc gia trong thập kỷ tới.
Thứ hai, dù đã trọng dụng đội ngũ “dám chơi dám chịu” và giơ cao chiếc cưa máy màu đỏ trên sân khấu, Musk chỉ có thể tìm thấy những khoản tiết kiệm khiêm tốn trong chi tiêu chính phủ: 180 tỉ đô la, so với mục tiêu ban đầu 2.000 tỉ đô la. Và đó là nếu tin được những tuyên bố của DOGE. Nhiều người cho rằng trong những tuyên bố này, công tác kế toán được thực hiện cẩu thả, bao gồm tính trùng nhiều hợp đồng chính phủ bị hủy, và chưa tính các khoản chi phí có thể sẽ rất lớn trong tương lai khi công chức bị sa thải kiện chính quyền ra tòa. Khoản tiết kiệm được trên thực tế rốt cuộc có thể nhỏ hơn nhiều.
Thứ ba, thuế quan, nếu giữ ở mức hiện tại — và đó là một chữ “nếu” to đùng — sẽ tạo ra một kho tiền mặt, khoảng 2.500 tỉ đô la trong thập kỷ tới. Tuy con số đó trùng khít lỗ hổng tài chính do đạo luật to lớn đẹp đẽ, nó không giúp ích nhiều trong giảm bớt thâm hụt.
Bạn có thể tự hỏi tại sao lại như vậy? Rốt cuộc, ông Trump tăng thuế nhập khẩu lên mức trung bình khoảng 13%, và năm ngoái Mỹ đã nhập khẩu khoảng 3.300 tỉ đô la hàng hóa. Một phép tính đơn giản cho thấy doanh thu thuế quan trong thập kỷ tới phải đạt hơn 4.000 tỉ đô la. Than ôi! logic đường cong Laffer đúng với cả hành vi tăng thuế quan lẫn giảm thuế. Bằng cách làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn, thuế quan của Trump sẽ khuyến khích chuyển từ “Sản xuất tại Trung Quốc” sang “Sản xuất tại Mỹ” (mục đích vốn là như vậy). Hệ quả là tiền thu được từ thuế quan sẽ nhỏ hơn khi thuế suất tăng cao hơn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thị trường trái phiếu đang bắt đầu tung ra những cú đấm như đã nói. Lập luận phổ biến trong giới chuyên gia bên phe Dân chủ về thành công bầu cử của Trump, là niềm tin vào truyền thông truyền thống bị xói mòn và tinh thần bầy đàn trên mạng xã hội khiến các cử tri ít thông tin có cái nhìn méo mó về thực tại. Bong bóng thông tin có thể là vấn đề đối với một số cử tri ở các bang dao động, nhưng với thị trường trái phiếu chính phủ thì không thể. Những người nắm giữ nợ chính phủ Mỹ nhìn nhận rất rõ ràng về các động lực nợ này, và họ không thích những gì họ thấy.
Vào tháng Năm, Moody’s đã bắt kịp S&P và Fitch khi hạ cấp xếp hạng tín dụng chủ quyền của Mỹ. Trong diễn biến mà những người mê chữ viết tắt sẽ coi là cơ hội bị bỏ lỡ, họ đã hạ xếp hạng từ cấp Aaa cao nhất xuống một bậc còn Aa1, chứ không phải BBB như “Big Beautiful Bill” (đạo luật to lớn đẹp đẽ). Động thái này chưa gây sụp đổ, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu người mua ngần ngại, khi trái phiếu chính phủ 30 năm có lúc giao dịch với lợi suất trên 5%.
Lợi suất cao hơn cũng phản ánh logic tàn nhẫn của cung và cầu. Để tài trợ cho các khoản thâm hụt cao lịch sử, bộ Tài chính phải bán nhiều nợ hơn, nghĩa là nguồn cung lớn hơn. Trong khi đó, nhu cầu cho Mỹ vay nợ từ Trung Quốc, Saudi Arabia và các nước khác đã giảm. Hai yếu tố đó đồng nghĩa bộ Tài chính sẽ phải mời chào phần thưởng lớn hơn khi nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Lãi vay cao hơn tự nó cũng sẽ làm tăng thâm hụt. Năm 2021, các khoản thanh toán lãi cho nợ quốc gia bằng 1,5% GDP. Đến năm 2034, Bloomberg Economics tính toán con số có thể lên tới gần 6%.
Lý luận lâu đời của phe Cộng hòa khiến việc tăng thuế gặp khó khăn. Lý lẽ giáo điều cứng rắn của phe Dân chủ thì khiến việc cắt giảm an sinh xã hội, Medicare hay Medicaid, chẳng dễ dàng. Nếu không có thuế cao hơn hoặc chi tiêu thấp hơn, không thể giảm đáng kể thâm hụt — hoặc nợ quốc gia. Tổng nợ dự kiến sẽ tăng từ 98% GDP vào năm 2024 lên 126% năm 2034. Điều đó tương đương với khoản nợ chừng 155 ngàn đô la cho mỗi người Mỹ.
Vậy phải làm gì? Trước hết, phải tăng thuế. Vào những năm 1970, thuế suất cho nhóm thu nhập cao nhất là trên 70% và tăng trưởng GDP hàng năm trung bình 3,2%. Trong thập kỷ qua, thuế suất cao nhất đã giảm xuống 37% và tăng trưởng hàng năm trung bình 2,5%. Nói cách khác, nỗi sợ thuế cao hơn làm đình trệ tăng trưởng đã bị thổi phồng. Tăng thuế suất với doanh nghiệp và người có thu nhập cao sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách trong tài chính công.
Thứ hai, cắt giảm chi tiêu. An sinh xã hội và Medicare là những “tế phẩm thiêng liêng,” nhưng không cần phải chọc tiết các chương trình đó để giảm chi phí. Biện pháp đánh giá thu nhập sẽ bảo toàn lợi ích cho những người cần các chương trình đó nhất. Tăng dần độ tuổi nhận hỗ trợ, trong khi đó, sẽ giải quyết thực tế hiển nhiên là tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 62 tuổi vào năm 1935, khi chương trình an sinh xã hội ra đời, và ngày nay đã là 79. Chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” mang lại cơ hội để cắt giảm một khoản lớn khác trong ngân sách — gần 1.000 tỉ đô la chi tiêu quốc phòng hàng năm. Về mặt đó, phiên bản hiện tại của BBB gây thất vọng, do trong đó khoản chi tiêu này sẽ tăng đáng kể.
Như các võ sĩ quyền Anh đều biết, không có bí quyết nào để giảm cân. Ăn ít hơn và nhảy dây nhiều hơn, thì cân nặng sẽ giảm. Với ngân sách cũng vậy. Thu nhiều thuế hơn và chi tiêu ít hơn, thì sẽ giảm được thâm hụt. Thậm chí còn tốt hơn nữa, khi thị trường trái phiếu bắt đầu chú ý, hiệu ứng Ozempic từ chi phí vay mượn thấp hơn của bộ Tài chính sẽ phát huy tác dụng. Đó là cách tốt nhất để tránh một cú đấm khủng hoảng nợ vào mặt.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nhung-gi-mike-tyson-va-thi-truong-trai-phieu-co-the-noi-ve-no-cong-cua-my-53565.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media