Công nghệ

Mỹ cần cơ quan giám sát AI trước khi quá muộn

OpenAI giữ chân nhân viên bằng sứ mệnh phát triển AGI vì nhân loại, trong khi Meta và các đối thủ thì vung tiền để hút kỹ sư AI giỏi nhất thị trường.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Jessica Karl

08 tháng 7, 2025 lúc 1:51 PM

Hãy tưởng tượng bạn vừa phát minh ra một loại đá viên có thể đông lạnh vĩnh viễn. Tất nhiên, từ các hãng thực phẩm đến tập đoàn dược phẩm đều muốn sở hữu sản phẩm này. Sếp của bạn — hãy tạm gọi là Pam Saltman — tuyên bố sứ mệnh duy nhất của công ty là đảm bảo viên đá đó phục vụ lợi ích nhân loại. Bạn ủng hộ lý tưởng đó bằng cả hai tay. Nhưng rồi một hôm, công ty đối thủ đề nghị mức đãi ngộ 300 triệu đô la Mỹ — đủ để mua toàn bộ bản quyền âm nhạc của nhóm Red Hot Chili Peppers. Bạn có sẵn sàng chuyển việc không, dù công nghệ đá lạnh vĩnh cửu chỉ là một phần nhỏ trong mô hình kinh doanh của họ?

Đó là câu hỏi mà nhà báo Dave Lee cho rằng đang ám ảnh Thung lũng Silicon, nơi cuộc chiến nhân sự về AI ngày càng khốc liệt. “Cách mà OpenAI thuyết phục nhân viên không rời đi là nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) là mục tiêu tối thượng và duy nhất của công ty, mọi hoạt động đều phục vụ cho mục tiêu đó. Ngược lại, các kỹ sư tại Meta có thể sẽ phải dành một phần thời gian để nghĩ cách làm sao giúp AI phục vụ tốt hơn cho các video lan truyền vô bổ mà bà của bạn thường xem.”

Ẩn sau phát biểu đó là thông điệp rõ ràng từ Sam Altman: ông muốn nhân viên của mình cảm thấy rằng họ không chỉ đang nhận lương, mà còn đang làm việc vì một lương tâm nghề nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả những ý định tốt nhất cũng không ngăn được hệ quả tiêu cực.

Nhà báo Parmy Olson viết rằng “một số người đang hình thành mối gắn kết cảm xúc sâu sắc với ChatGPT, điều này có thể khiến cảm giác cô đơn trở nên tồi tệ hơn. Một số khác thậm chí xuất hiện triệu chứng loạn thần sau khi trò chuyện hàng giờ liền với chatbot mỗi ngày.”

Điều đó đặt ra câu hỏi liệu có nên để các công ty tự quyết định đâu là một con AI tốt và đâu là một con AI “xấu” hay không. Chuyên gia Gautam Mukunda cho biết hiện Mỹ chưa có cơ quan liên bang nào giám sát lĩnh vực AI, và điều này cần thay đổi. Đề xuất của ông: một cơ quan độc lập có nhiệm vụ kép, vừa điều tiết và vừa thúc đẩy sự phát triển của AI, giống như vai trò của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

“Cơ quan này có thể cấp chứng nhận cho các hệ thống AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực rủi ro cao, đặt ra tiêu chuẩn an toàn, kiểm tra định kỳ và điều tra sự cố,” ông viết.

Một cơ quan như vậy có thể là tin vui với giới sinh viên và giảng viên đại học trên toàn thế giới. Tại châu Á, phóng viên Catherine Thorbecke ghi nhận nhiều nhà giáo đang gặp khó khăn trong việc xác định cách sống chung với AI trong lớp học. “Ngay cả khi một số giáo viên không khuyến khích sử dụng AI, thì việc sử dụng công cụ này gần như không thể tránh khỏi với các nhà nghiên cứu trong thời đại Internet. Hầu hết kết quả tìm kiếm Google hiện nay đều bắt đầu bằng tóm tắt tự động. Việc lướt qua chúng không nên bị xem là hành vi gian lận học thuật,” bà lập luận.

Tất nhiên, cũng có một giải pháp mạnh tay nhưng hiệu quả: Cấm hoàn toàn công nghệ trong lớp học.

Nhà báo Mary Ellen Klas cho biết lệnh cấm điện thoại thông minh đang ngày càng phổ biến hơn trên toàn nước Mỹ — và có lý do chính đáng. “Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc trẻ em và bộ não đang phát triển của chúng dành quá nhiều thời gian cho điện thoại thông minh làm tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần, từ trầm cảm, đến bắt nạt trực tuyến, đến mất khả năng tập trung và học tập,” bà viết. Và đó là trước khi AI đẩy thế hệ này vào một “vòng xoáy cô đơn kéo dài.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/my-can-co-quan-giam-sat-ai-truoc-khi-qua-muon-53695.html

#lợi ích nhân loại
#mức đãi ngộ
#AI
#cuộc chiến nhân sự
#OpenAI
#AGI
#Meta
#Sam Altman
#ChatGPT
#cảm giác cô đơn
#chatbot
#Mỹ
#học tập
#vòng xoáy cô đơn
#trầm cảm

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media