Mới đây, tại hội thảo đào tạo ở Bermuda, điều tra viên Jamie Lam mô tả một chiêu trò điển hình: nạn nhân bị dụ đầu tư vào nền tảng tiền số giả mạo, ban đầu có lợi nhuận nhỏ để lấy lòng tin, sau đó bị chiếm đoạt toàn bộ tiền khi nền tảng biến mất.
Thông qua công cụ mã nguồn mở, lịch sử tên miền, dữ liệu blockchain và sự kiên nhẫn, nhóm Điều tra toàn cầu GIOC của cơ quan Mật vụ đã lần ra dấu vết, thu giữ gần 400 triệu USD tài sản kỹ thuật số trong vòng một thập niên. Phần lớn số tài sản này đang được lưu giữ trong một ví lạnh đơn lẻ, thuộc nhóm giá trị lớn nhất thế giới.

Đứng đầu chiến lược tiền mã hóa của Mật vụ là luật sư Kali Smith. Nhóm của bà đã tổ chức hơn 60 buổi huấn luyện tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở những nơi có lỗ hổng pháp lý hoặc chương trình bán quốc tịch dễ bị tội phạm lợi dụng. Các khóa đào tạo được cung cấp miễn phí nhằm nâng cao năng lực cho cảnh sát và công tố viên địa phương.
Tại Bermuda, nơi tự quảng bá là trung tâm tiền số hàng đầu thế giới, nhưng đồng thời cũng là mục tiêu mới của tội phạm mạng, thống đốc Andrew Murdoch nhấn mạnh: “Bên cạnh các lợi ích kinh tế, cần có quyền lực điều tra mạnh mẽ để xử lý hành vi lạm dụng.”

Trong một lớp học nhìn ra cảng Hamilton, bà Smith cảnh báo: “Nạn nhân thường nghĩ dùng Bitcoin là an toàn, nhưng thực tế không như vậy.” Một vụ thực tế tại Idaho cho thấy một thiếu niên bị tống tiền qua mạng sau khi gửi ảnh nhạy cảm cho người lạ. Kẻ tống tiền đã yêu cầu 300 USD, đe dọa gửi ảnh cho người thân, khiến nạn nhân phải trả tiền hai lần trước khi báo cảnh sát.
Phân tích dữ liệu blockchain cho thấy tiền được chuyển qua một thiếu niên Mỹ khác bị ép làm “người vận chuyển tiền”, trước khi vào một ví liên kết với hộ chiếu Nigeria, từng xử lý 6.000 giao dịch trị giá 4,1 triệu USD. Nghi phạm sau đó bị bắt tại Anh và đang chờ dẫn độ.
Tội phạm tiền số hiện chiếm phần lớn thiệt hại từ các vụ lừa đảo qua mạng ở Mỹ. Năm 2024, người dân Mỹ báo cáo bị lừa 9,3 tỉ USD trong các vụ liên quan đến tiền mã hóa, chiếm hơn một nửa tổng thiệt hại 16,6 tỉ USD, theo FBI. Người cao tuổi là nhóm thiệt hại nặng nề nhất, mất gần 2,8 tỉ USD, chủ yếu vì các trang đầu tư giả mạo.
Một số vụ lừa đảo còn dẫn đến bạo lực thật sự. Tại New York, hai nhà đầu tư bị truy tố vì bắt cóc và tra tấn một người bạn để chiếm quyền truy cập ví điện tử. Tại Connecticut, sáu người bị buộc tội bắt cóc cha mẹ của một hacker tuổi teen từng đánh cắp 245 triệu USD bằng Bitcoin, nhưng thất bại trong việc đòi tiền chuộc.
Để thu hồi tài sản bị đánh cắp, Mật vụ Mỹ dựa vào sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong ngành. Coinbase và Tether từng công khai giúp cơ quan chức năng trong việc phân tích giao dịch và đóng băng ví. Một trong các vụ thu hồi lớn nhất là khoản 225 triệu USDT liên quan đến các vụ lừa đảo tình – tài chính.
“Chúng tôi đã theo dấu dòng tiền suốt 160 năm qua,” Patrick Freaney, người đứng đầu văn phòng Mật vụ tại New York – đơn vị phụ trách cả Bermuda – cho biết. “Các khóa huấn luyện như thế này là một phần trong sứ mệnh đó.”