Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Tỷ lệ kết hôn giảm tại Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số dù nước này đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích sinh sản.
Tác giả: Lucille Liu
12 tháng 5, 2025 lúc 4:30 PM
Gần hai thập kỷ qua, Abby Gao đã tổ chức đám cưới cho các cặp đôi tại Trung Quốc. Cô mỉm cười nhớ lại lần cô đặt 58 chiếc xe sang, bao gồm Rolls-Royce và Lamborghini, cho một đoàn xe cưới. Hoặc lần cô trang trí một địa điểm tổ chức hôn lễ với 35.000 bông hồng. Gao cũng nhớ đến hàng trăm chai rượu Mao Đài cao cấp, mỗi chai có giá hàng trăm USD, mà cô cẩn thận đặt ở giữa bàn tiệc.
Hôm nay, ở tuổi 39, Gao đã chuyển sang tổ chức sinh nhật cho trẻ em. Cô buộc phải thay đổi nghề nghiệp vì nhu cầu làm đám cưới ở Trung Quốc lao dốc.
“Nhu cầu như rơi xuống vực vậy,” Gao nói. Doanh nghiệp của cô tại Bắc Kinh chỉ phục vụ khoảng 100 đám cưới vào năm ngoái, giảm mạnh so với gần 2.000 đám cưới vào năm 2012. “Giới trẻ bây giờ ưu tiên hạnh phúc cá nhân hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể sẽ chọn không kết hôn.”
Số cuộc hôn nhân tại Trung Quốc đã giảm trong hầu hết thập kỷ qua. Riêng năm ngoái đã giảm gần 21%, xuống mức thấp kỷ lục — làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số đang đe dọa đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trung Quốc từ lâu đã không chấp nhận việc sinh con ngoài giá thú do áp lực xã hội và yêu phải có giấy chứng nhận kết hôn để đăng ký khai sinh, đảm bảo trẻ em được tiếp cận các dịch vụ công. Dù một số tỉnh đã bắt đầu nới lỏng các quy định này, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm và dân số Trung Quốc đã giảm ba năm liên tiếp — đe dọa tăng trưởng kinh tế tương lai và đặt gánh nặng lên lực lượng lao động vốn ngày càng nhỏ để chăm sóc dân số đang già hóa nhanh chóng.
Các nhà hoạch định chính sách đang tỏ ra lo lắng. Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi đẩy mạnh giáo dục giới trẻ nhằm định hình quan điểm về hôn nhân, làm cha mẹ và xây dựng gia đình. Các kênh truyền thông nhà nước thậm chí còn đề xuất các trường đại học nên đưa vào chương trình giảng dạy “giáo dục tình yêu” để giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các mối quan hệ tình cảm.
Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực khuyến khích hôn nhân thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, giảm bớt thủ tục hành chính và kêu gọi giảm yêu cầu sính lễ. Kể từ khi bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016, Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy sinh sản, bao gồm trợ cấp tiền mặt và kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ.
Dù vậy, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc theo đuổi triết lý “không kết hôn, không con cái”. Xu hướng này một phần xuất hiện do kinh tế suy thoái, và nhiều người e ngại chi phí đám cưới quá cao và áp lực phải có nhà có xe hoặc phải tặng tiền cưới ngất ngưởng cho gia đình cô dâu. Các yếu tố xã hội cũng đóng vai trò lớn không kém, khi một số người trẻ từ chối văn hóa gia trưởng và quan điểm bảo thủ về vai trò truyền thống của người phụ nữ trong gia đình.
“Tỷ lệ kết hôn giảm ở Trung Quốc dường như đã trở thành một xu hướng khó đảo ngược,” Ada Li, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, nhận định. “Ngày càng nhiều người trẻ trong độ tuổi kết hôn chọn không làm vậy, với các lý do như chi phí đám cưới cao, tỷ lệ thất nghiệp cao, nền kinh tế trì trệ và sự mất niềm tin vào các mối quan hệ truyền thống.”
Những áp lực này rõ ràng tại công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh, nơi các bậc phụ huynh lo lắng tụ họp bốn ngày mỗi tuần tại một chợ mai mối để tìm kiếm bạn đời cho con cái mình — những người thường quá bận rộn hoặc không mặn mà gì với việc tự tham gia.
Vào một chiều Chủ Nhật gần đây, hàng rào và vỉa hè của công viên được phủ kín bởi hàng trăm tờ giấy ép plastic, ghi rõ độ tuổi, chiều cao, cân nặng, trình độ học vấn và thu nhập hàng năm của các đối tượng độc thân. Các quảng cáo tự chế này còn cho biết liệu người đó có sở hữu xe, nhà ở hay có hộ khẩu Bắc Kinh hay không — một yếu tố rất “được giá” vì cho phép người sở hữu nó được hưởng nhiều phúc lợi, sở hữu tài sản và cho con cái đi học tại thủ đô.
Một số hồ sơ còn kèm theo mô tả ngắn gọn về tính cách. Có những tờ giấy nêu rõ yêu cầu về người bạn đời lý tưởng — “tính cách tốt, khỏe mạnh, có trách nhiệm”, một tờ viết. “Ưu tiên người có nhà riêng hoặc đủ khả năng mua nhà.” Phụ nữ thường được giới thiệu nhiều hơn nam giới, cho thấy họ phải đối mặt với áp lực đặc biệt trong việc tìm kiếm bạn đời khi còn ở độ tuổi 20.
Đa số các bậc cha mẹ chỉ để lại số điện thoại để người quan tâm có thể liên hệ. Một số khác đứng ngay bên cạnh tờ quảng cáo để có cơ hội gặp gỡ trực tiếp các đối tượng hoặc phụ huynh của họ, nhằm trao đổi thêm thông tin và sắp xếp một buổi gặp mặt.
“Chi phí kết hôn rất cao,” Morningstar Yang, 34 tuổi, nhà thiết kế hoạt hình từ tây nam Trung Quốc, người đã sống ở thành phố này được 10 năm và đang tìm kiếm bạn đời tại chợ mai mối, cho biết. “Việc kết hôn được với một người Bắc Kinh khá khó,” anh nói trong khi mặc áo sơ mi xanh và đeo ba lô da đen bóng. “Hầu hết phụ nữ có lẽ sẽ muốn có nhà ở Bắc Kinh, ô tô hoặc nhiều hơn thế, điều mà tôi không dễ dàng có được.”
Tại các siêu đô thị như Bắc Kinh, giá nhà đã tăng vọt, vượt xa khả năng chi trả của nhiều người. Một mét vuông căn hộ ở khu vực có trường học tốt thường đắt hơn cả thu nhập trung bình hàng năm. Sự bất ổn về triển vọng công việc tương lai khiến hôn nhân trở thành một mục tiêu xa vời và xa xỉ. Khoảng một trong sáu thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi, không theo học toàn thời gian, hiện đang thất nghiệp.
Theo Yang, các khoản trợ cấp và khuyến khích tài chính “có lẽ chỉ là giải pháp tạm thời” đối với những người đang phải đối mặt với chi phí kết hôn và nuôi dạy con cái quá cao như hiện nay. “Nền kinh tế đang chững lại và người trẻ đang gặp khó khăn. Việc có con sẽ chỉ tăng thêm áp lực lên họ.”
Tỷ lệ kết hôn giảm liên tục còn phản ánh sự phản kháng của một bộ phận phụ nữ Trung Quốc trước áp lực phải quay trở lại với vai trò truyền thống là một người chăm sóc gia đình. Dù Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn khẳng định chính sách bình đẳng giới — với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Mao Trạch Đông rằng “phụ nữ nâng nửa bầu trời” — Chủ tịch Tập Cận Bình lại ngày càng ủng hộ quan điểm xã hội bảo thủ hơn. Trong bài phát biểu năm 2013, ông nhấn mạnh rằng phụ nữ nên là “người vợ và người mẹ tốt”. Đến năm 2023, ông kêu gọi một tổ chức phụ nữ chủ chốt “tích cực xây dựng văn hóa hôn nhân và sinh đẻ mới”.
Chủ đề này liên tục gây bão trên các nền tảng mạng xã hội, nơi những người phụ nữ có học thức cao và khả năng độc lập tài chính chia sẻ lý do họ không quan tâm đến hôn nhân.
“Tôi không muốn phải nấu ba bữa một ngày cho gia đình, dọn tất vương vãi ở góc nhà hay đồ chơi bày khắp sàn,” một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tên Ling’er viết trên Xiaohongshu — nền tảng tương tự Instagram của Trung Quốc, còn được gọi là RedNote. “Tôi không được sinh ra trên đời này để giặt quần áo cho đàn ông, nấu ăn và sinh con. Tôi chỉ muốn sống một cuộc sống đầy hạnh phúc.”
Jin Tianchen, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh tiếng, nói với 2 triệu người theo dõi trên Xiaohongshu rằng cô lo sợ áp lực xã hội về hôn nhân sẽ khiến cô quên mất giá trị của bản thân. Trong một video, cô cho biết mình không muốn vô thức chú ý đến thu nhập của người bạn đời sau này thay vì quan tâm đến nhân cách của họ.
“Nếu tôi coi hôn nhân là sứ mệnh của cuộc đời, tôi có thể sẽ phải thỏa hiệp, nhượng bộ hoặc thậm chí thay đổi chính mình,” cô nói.
“Nền tảng của triết lý không kết hôn, không sinh con càng được củng cố bởi phong trào nữ quyền, đặc biệt là trên mạng xã hội,” Pan Wang, phó giáo sư tại Đại học New South Wales ở Sydney và là tác giả cuốn sách “Tình yêu và Hôn nhân trong Trung Quốc Toàn cầu hóa”, nhận định. “Phụ nữ ngày nay tự chủ về tài chính và tinh thần hơn, ít phụ thuộc vào đàn ông hơn, khiến nhu cầu kết hôn của họ giảm.”
Dù nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, mạng xã hội vẫn tràn ngập hình ảnh những người có ảnh hưởng không có con tự hào về khả năng tự do tài chính và cuộc sống cá nhân của mình, cũng như các cặp đôi chưa kết hôn khoe lối sống thoải mái với việc ngủ đến trưa hay có thể chi tiêu cho những kỳ nghỉ bất chợt.
Trước đây, phụ nữ Trung Quốc chưa kết hôn ở độ tuổi cuối 20 thường bị gọi là “sheng nu” — “gái ế.” Nhưng giờ đây, cụm từ này đã mang một ý nghĩa mới, khi trên mạng xã hội, nhiều người gọi những phụ nữ có học thức cao và thành công trong sự nghiệp là “gái ế vàng”, phản ánh sự căng thẳng giữa kỳ vọng của xã hội và thành tựu cá nhân của họ.
Theo Bộ Dân chính Trung Quốc, có 6,1 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn trong năm 2024 — con số thấp nhất kể từ năm 1986 và chưa được một nửa mức đỉnh điểm năm 2013. Sự suy giảm này tiếp tục trong quý I năm nay. Khoảng 30% người ở độ tuổi 30 vẫn độc thân vào năm 2023, so với 15% vào mười năm trước, theo nhà nhân khẩu học He Yafu.
Các doanh nghiệp hiện nhắm đến “nền kinh tế người độc thân” khi tiếp thị nhiều sản phẩm từ thiết bị gia dụng đến kỳ nghỉ được thiết kế riêng cho một người độc thân.
Theo Daxue Consulting, công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải theo dõi ngành này từ năm 2018, quy mô thị trường dịch vụ cưới hỏi của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 400 tỷ USD, so với mức đỉnh 524 tỷ USD vào năm 2019. Một thước đo rộng hơn, bao gồm các chi phí liên quan như tuần trăng mật và lớp học thể hình để chuẩn bị cho lễ cưới, cũng giảm còn 2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái — thấp hơn cả giai đoạn đại dịch khi lệnh phong tỏa COVID-19 buộc phải hủy bỏ các sự kiện lớn.
Lượng kết hôn giảm và dân số già đi sẽ gây ra tác động kinh tế nặng nề hơn. Lực lượng lao động thu hẹp có thể dẫn đến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến giá hàng hóa sản xuất, trong khi hệ thống lương hưu vốn đã thiếu hụt sẽ phải chịu áp lực lớn hơn. Tạp chí y khoa The Lancet dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, nhưng sẽ đánh mất vị trí này vào năm 2098 do suy giảm dân số làm chậm đà tăng trưởng.
Năm ngoái, Trung Quốc đã chào đón 9,54 triệu trẻ sơ sinh, tăng nhẹ so với năm 2023 — một phần do Năm Thìn trong lịch âm Trung Quốc được coi là năm tốt để sinh con. Tuy nhiên, đây vẫn là số trẻ sơ sinh thấp thứ hai kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.
Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ sinh của Trung Quốc — tức số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời — vào năm 2024 có thể vào khoảng 1,01, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 được coi là cần thiết để duy trì dân số ổn định mà không cần người nhập cư. Con số này so với mức 0,73 của Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, và 1,22 của Nhật Bản, hai quốc gia mà các nhà hoạch định chính sách cũng đang chật vật tìm cách đảo ngược xu hướng giảm dân số mà không phải mở cửa nhập cư.
Nỗ lực khuyến khích sinh sản của Trung Quốc bắt đầu sau khi chính sách một con kết thúc, nhưng đã không mang lại sự bùng nổ dân số như kỳ vọng. Chính quyền đã phát động chiến dịch khuyến khích các gia đình sinh ba con, áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ như trợ cấp tiền mặt, đơn giản hóa thủ tục kết hôn và siết chặt quy định về việc ly hôn ở cấp quốc gia.
Chính phủ cũng đang cố gắng giải quyết một trong những trở ngại kinh tế lớn đối với hôn nhân — đó là áp lực chú rể phải trả “tiền thách cưới” cho gia đình cô dâu để chứng tỏ sự chân thành và giàu có. Khoản tiền này, gọi là “sính lễ” hay “tiền thách cưới”, có thể lên tới hàng chục nghìn USD. Chính quyền địa phương đang khuyến khích các gia đình từ bỏ sính lễ hoặc đồng ý với số tiền hợp lý hơn.
Năm ngoái, Bắc Kinh đề xuất đơn giản hóa thủ tục đăng ký kết hôn bằng cách giảm bớt giấy tờ cần thiết. Tại huyện Thường Sơn, tỉnh Chiết Giang, chính quyền địa phương hỗ trợ 1.000 nhân dân tệ (137 USD) cho các cặp đôi nếu cô dâu dưới 25 tuổi. Ở làng Nam Lĩnh, tỉnh Quảng Đông, các cặp vợ chồng mới cưới có thể nhận trợ cấp lên tới 40.000 nhân dân tệ nếu duy trì hôn nhân ít nhất một năm và được thưởng tới 60.000 nhân dân tệ nếu sinh ba con.
Tập đoàn Hóa chất Shuntian, một công ty tư nhân với hơn 1.200 nhân viên tại tỉnh Sơn Đông, yêu cầu nhân viên từ 28 đến 58 tuổi phải kết hôn trước tháng 9, nếu không sẽ bị sa thải.
“Không hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, không kết hôn và sinh con là bất trung,” thông báo của công ty viết. “Không nghe lời cha mẹ và khiến họ lo lắng là bất hiếu. Không tìm được bạn đời sau nhiều lần cố gắng là thiếu nhân ái.” Công ty này đã phải rút lại yêu cầu này sau khi chính quyền địa phương cho biết nó vi phạm luật lao động Trung Quốc.
Chính phủ cũng đang tìm cách giảm tỷ lệ ly hôn.
Từ năm 2021, các cặp vợ chồng muốn ly hôn phải trải qua giai đoạn “hạ nhiệt” 30 ngày bắt buộc — một biện pháp nhằm ngăn chặn các quyết định ly hôn bốc đồng. Số vụ ly hôn đã giảm từ mức đỉnh 4,7 triệu trong năm 2019 xuống còn 3,6 triệu vào năm 2023. Nhưng điều này cũng tạo ra cơ hội kinh doanh mới — bao gồm cả dịch vụ chụp ảnh ly hôn.
Khi sự kỳ thị xã hội đối với việc ly hôn dần yếu đi, một số cặp đôi chọn ghi lại khoảnh khắc chia tay bằng hình ảnh. Các bức ảnh cho thấy họ trang trọng tháo nhẫn cưới, xé giấy chứng nhận kết hôn hoặc chia tay tại văn phòng đăng ký ly hôn xuất hiện phổ biến trên mạng xã hội.
Một số cặp đôi còn sẵn sàng chi tiền để tiêu hủy các kỷ vật đám cưới như ảnh, váy cưới, nhẫn và album ảnh. Nhiều cặp đôi ở Trung Quốc bỏ ra hàng nghìn USD cho các gói chụp ảnh cưới, thậm chí đi đến các tỉnh khác hoặc ra nước ngoài để có được khung cảnh hoàn hảo. Những bức chân dung cưới đóng khung, thường cao hơn 1 mét, rất khó xử lý — tạo cơ hội cho các dịch vụ tiêu hủy chuyên nghiệp.
Một trong những người tham gia vào thị trường này là Liu Wei, người đã thành lập doanh nghiệp của mình vào năm 2023 sau khi nhận ra cơ hội trên thị trường.
Tôi nhớ đã thấy dữ liệu cho biết chỉ trong ba năm, số vụ ly hôn tại Bắc Kinh đã lên tới gần 190.000,” Liu Wei nói. “Chúng tôi mở rộng phân tích ra các thành phố khác và nhận ra tiềm năng của thị trường này.”
Nhu cầu của khách hàng đã tăng từ chỉ vài đơn hàng mỗi tháng lên vài chục đơn mỗi ngày cho dịch vụ có giá từ 59 đến 199 nhân dân tệ (8 đến 27 USD), tùy thuộc vào trọng lượng và kích thước của ảnh và các kỷ vật khác.
Khách hàng gửi ảnh của họ cho Liu, người sẽ đợi một tuần để đảm bảo họ không đổi ý, trước khi đưa chúng vào máy nghiền công nghiệp. Đội ngũ của anh sẽ xịt sơn lên khuôn mặt và các đặc điểm nhận dạng khác để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Khách hàng còn có thể yêu cầu video quay lại quá trình tiêu hủy này.
“Với hầu hết mọi người, đây chỉ là nhu cầu đơn giản để loại bỏ những vật dụng cá nhân mà vẫn bảo đảm quyền riêng tư,” Liu nói. “Với một số người khác, đó là một nghi thức, như một lời tạm biệt với một giai đoạn trong cuộc đời.”
Điều đáng chú ý là Liu cho biết anh đã có khách hàng quay lại nhiều lần — những người đã ly hôn thêm vài lần nữa kể từ khi anh bắt đầu kinh doanh chỉ hơn hai năm trước. Điều này phản ánh những thách thức mà chính phủ đang phải đối mặt trong việc ổn định xã hội và thúc đẩy hôn nhân.
“Mọi người giờ có nhiều lựa chọn hơn,” anh nói. “Họ không còn bị ràng buộc bởi các giá trị truyền thống nữa.”
— Với sự hỗ trợ của Minmin Low
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khong-ket-hon-khong-con-cai-dang-la-qua-bom-hen-gio-cua-trung-quoc-53177.html
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media