Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Các nhà sáng lập chia sẻ kinh nghiệm thực tế về việc bắt tay xây dựng startup AI trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Hình ảnh: Shutterstock
Tác giả: Giang Lê
22 tháng 07, 2025 lúc 5:23 PM
Liệu năm 2025 có phải đã quá muộn để bắt đầu một startup trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam? Câu hỏi này đã được đặt ra trong buổi tọa đàm “AI Startups: Real world lessons from Vietnam alumni” (Khởi nghiệp với AI: Bài học thực tế từ Việt Nam) do Founder Institute Vietnam tổ chức, với sự tham gia của các nhà sáng lập các startup AI đang hoạt động tại thị trường Việt Nam và thế giới.
Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập và CEO của LovinBot AI, khẳng định rằng "chưa trễ" để bắt đầu khởi nghiệp AI Việt Nam. Ông khuyến nghị những người muốn thử nên bắt đầu với các công cụ AI hỗ trợ viết mã nhanh như Claude, Lovable, Verso để giảm thời gian xây dựng MVP (sản phẩm khả dụng tối thiểu) và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn.
Tuy nhiên, Flora Bùi, sáng lập và CEO của Acie, đưa ra góc nhìn thận trọng hơn. Bà nhắc đến sự thay đổi trong giới đầu tư ở Silicon Valley, nơi mô hình SaaS (phần mềm dịch vụ) đang bị nghi ngờ về khả năng phát triển dài hạn sau sự ra đời của các công cụ AI tạo sinh như OpenAI. Bù lại, Flora tin rằng vẫn có nhiều cơ hội trong các thị trường ngách.
Để xây dựng một startup AI thành công và có khả năng thu hút dòng vốn quốc tế, các nhà sáng lập cho biết doanh nghiệp cần vượt qua tâm lý “chạy theo trào lưu” và quay trở lại với nền tảng căn bản: giải quyết một vấn đề thật cho một thị trường cụ thể. Trong một môi trường đang ngày càng chọn lọc như hiện nay, chỉ những startup có mô hình kinh doanh rõ ràng, khả năng tạo doanh thu và có lộ trình phát triển thực tế mới có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư.
Một trong những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá cao là dữ liệu độc quyền. Khi nhiều mô hình AI có thể được phát triển từ cùng một nền tảng mã nguồn mở, thì chính dữ liệu riêng biệt, có chiều sâu và khó sao chép mới là con hào (moat - lợi thế cạnh tranh bền vững) thực sự. Đây là lý do vì sao các mô hình kết hợp giữa AI và phần cứng được xem là hướng đi giàu tiềm năng. Với dữ liệu đầu vào do chính mình kiểm soát, startup có thể phát triển thuật toán huấn luyện phù hợp hơn, chính xác hơn và ít bị phụ thuộc vào nguồn ngoài.
Ngoài dữ liệu, sự hiểu biết về hành vi người dùng tại thị trường mục tiêu là yếu tố không thể thiếu. Mô hình AI chỉ có giá trị khi được gắn với bối cảnh cụ thể – từ thói quen tiêu dùng, hành vi doanh nghiệp, cho đến môi trường pháp lý. Các nhà sáng lập cần chứng minh rằng họ không chỉ xây dựng một công nghệ “hay”, mà còn có khả năng triển khai “thật” – tức là đưa vào ứng dụng thực tiễn, có người dùng trả tiền và có khả năng lặp lại quy mô.
Một chiến lược hiệu quả được nhiều nhà sáng lập áp dụng là phát triển sản phẩm theo hướng mô-đun hóa: giữ lại lõi công nghệ chuẩn hóa (80%) và tùy biến phần còn lại (20%) theo nhu cầu từng khách hàng, như chia sẻ của Nguyễn Quang Khoa – nhà sáng lập Ba3. Mô hình này vừa giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực, vừa đáp ứng được yêu cầu linh hoạt của thị trường doanh nghiệp Việt Nam – nơi mỗi đối tác có những đặc thù riêng nhưng lại không muốn đầu tư thời gian dài cho thử nghiệm.
Cuối cùng, để có thể thu hút dòng vốn quốc tế, đội ngũ sáng lập cũng cần có tầm nhìn toàn cầu, khả năng giao tiếp rõ ràng với nhà đầu tư nước ngoài, và biết cách kể câu chuyện phát triển của mình dưới ngôn ngữ mà thị trường vốn có thể hiểu được. Trong bối cảnh AI đang phát triển rất nhanh, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào hiện tại mà còn quan tâm đến khả năng mở rộng thị trường – cả về địa lý lẫn ngành dọc. Một giải pháp có thể bắt đầu từ thị trường Việt Nam, nhưng nếu cho thấy khả năng áp dụng tại các nước có điều kiện tương tự, sẽ có sức hấp dẫn lớn hơn trong mắt quỹ đầu tư quốc tế.
Ở cấp độ thị trường, Việt Nam đang nổi lên như một trong những trung tâm khởi nghiệp AI trong khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo “ASEAN GenAI Startup Report 2024” của GenAI Fund, Việt Nam chiếm 27% tổng số startup AI tạo sinh (GenAI) trong khu vực, chỉ đứng sau Singapore (44%), nhưng bỏ xa Indonesia (13%). Trong khi đó, các startup Việt như AI Hay – một ứng dụng hỏi đáp tích hợp AI do người Việt phát triển – huy động thành công 10 triệu USD tại vòng Series A và có hơn 15 triệu lượt tải chỉ sau một năm ra mắt.
Tuy vậy, thị trường vốn cũng đang tự điều chỉnh. Tính đến giữa năm 2025, Việt Nam chỉ ghi nhận 8 thương vụ đầu tư mạo hiểm với tổng giá trị 44,5 triệu USD – sụt giảm đáng kể so với mức 2,5 tỉ USD từ 71 thương vụ năm 2021, theo dữ liệu Bloomberg. Đây là tín hiệu cho thấy nhà đầu tư ngày càng thận trọng, ưu tiên các mô hình có dòng tiền và khả năng mở rộng thực sự.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khoi-nghiep-ai-tai-viet-nam-2025-lieu-da-qua-muon-53877.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media