Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Với công nghệ chuỗi khối (blockchain) hoặc nhưng công nghệ tương tự chuỗi khối, giao dịch và thanh toán giữa các định chế tài chính sẽ nhanh và tiện hơn rất nhiều. Nhưng với người dùng cuối, đây lại là câu chuyện khác.
Minh họa: 731; Ảnh: Anna Kim/Getty Images
Tác giả: Christopher Condon
16 tháng 8, 2023 lúc 3:30 PM
Giờ gần như không ai nói đến tiền đô la Mỹ điện tử nữa. Tuy nhiên, chỉ mới cách đây vài năm, khi làn sóng tiền mã hóa đang lên đến đỉnh điểm, và Trung Quốc đang thí nghiệm phiên bản điện tử của đồng nhân dân tệ, Washington cũng xôn xao với ý tưởng về việc cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tạo ra đồng đô la Mỹ điện tử.
Tuy nhiên, khi bước vào thảo luận chi tiết, sự nhiệt tình đã phần nào nguội bớt. Dù trên lý thuyết, tiền đô la Mỹ điện tử có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận với hệ thống tài chính, việc sử dụng đồng tiền này trên thực tế đòi hỏi phải có điện thoại thông minh cùng tài khoản ngân hàng, điều không phải người thu nhập thấp nào cũng đáp ứng được. Giới ngân hàng than phiền rằng nếu khách hàng có thể cất trữ tiền mặt an toàn dưới dạng điện tử, nguồn tiền gửi vào các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng, gây mất ổn định cho hệ thống tài chính. Giới chính trị gia thì nêu lo ngại về hoạt động giám sát của chính quyền đối với các giao dịch cá nhân. Và tất nhiên, khi xảy ra cuộc sụp đổ tiền mã hóa, người ta cũng mất đi niềm tin với tiền điện tử. “Lời hứa về tài chính toàn diện (financial inclusion) tuy vẫn còn đó, nhưng sự ồn ào đã che lấp thực tế,” J. Christopher Giancarlo, cựu chủ tịch ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai, kiêm đồng sáng lập quỹ Đô la kỹ thuật số (Digital Dollar Foundation).
Nhưng ý tưởng này vẫn chưa “chết.” Tuy với tư cách cá nhân, bạn có lẽ sẽ không bao giờ có dịp tiêu một một đồng đô la kỹ thuật số, nhưng dòng tiền luân chuyển giữa các ngân hàng trung ương và định chế tài chính lớn vẫn có thể sắp đón nhận một bước nhảy vọt về mặt công nghệ. Ta hãy hình dung nó là đồng đô la bán sỉ. Một nhóm nhà nghiên cứu ở ngân hàng Fed New York cùng vài ngân hàng hàng đầu nước Mỹ đang thử nghiệm thanh toán kỹ thuật số ở dạng giả lập. Họ đã chứng minh có thể dùng một công nghệ tương-tự-chuỗi-khối để chuyển tiền gần như ngay lập tức khắp thế giới, 24/7, quanh năm suốt tháng.
Theo một nghĩa nào đó, tất cả số đô la (Mỹ) này đã ở dạng số rồi. Các khoản tiền lớn tới mức đó không được lưu trữ dưới dạng tiền giấy, mà nó chỉ đơn giản là một ghi chép kế toán tại một ngân hàng, và việc “chuyển” tiền giờ chỉ đơn giản là thay đổi các đề mục trên máy tính. Tuy nhiên, những giao dịch xuyên biên giới đôi khi chậm chạp đến đau đớn. Mỗi giao dịch như thế lại đòi hỏi sự ghi nhận thay đổi đồng thời ở ít nhất ba cơ sở dữ liệu hoàn toàn riêng biệt với nhau (và thường là nhiều hơn ba), hai cơ sở của các ngân hàng và một của Fed. Để làm được điều này, cần có một loạt tin nhắn yêu cầu và xác nhận từng bước một khi các tài sản được chuyển từ bên này sang bên kia.
Tuy nhiều khoản chuyển tiền quốc tế được thực hiện chỉ trong vài phút, chúng thường bị hoãn vào cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ ở một trong những quốc gia liên quan. Với các nước nhỏ, việc chuyển tiền đến và ra thường kéo dài hơn vì các ngân hàng địa phương thường phải chuyển tiền thông qua những ngân hàng lớn hơn (thường ở nhiều nước khác nhau) có tài khoản ở Fed. Càng thông qua nhiều khâu trung gian, và càng liên quan nhiều nước, giao dịch càng chậm, có khi lên đến nhiều ngày, và càng gia tăng nguy cơ sai sót.
Và điều này mở ra cơ hội cho các quốc gia đang muốn giảm bớt mức độ thống trị của đồng đô la Mỹ trong thanh toán quốc tế. Khoảng một nửa lượng thương mại toàn cầu hiện đang được thanh toán bằng “tờ bạc xanh.” Vị thế số một của đồng đô la Mỹ giúp nước Mỹ có thể vay tiền với lãi suất thấp hơn, còn tiền tệ của họ luôn ổn định nhất thế giới. Thực tế này còn giúp nước Mỹ thực thi hiệu quả các lệnh trừng phạt kinh tế, vì mọi giao dịch bằng đô la Mỹ rồi sẽ phải thông qua các ngân hàng do Mỹ quản lý.
Trong số những nỗ lực đang được thực hiện để đẩy mạnh thanh toán toàn cầu có dự án mBridge, một cuộc thử nghiệm có sự chung tay của ngân hàng Trung ương Trung Quốc cùng ngân hàng Trung ương các nước Hong Kong, UAE, và Thái Lan. Là dự án tiên tiến nhất cho mục đích này, mBridge đang thử nghiệm các phương thức chuyển tiền và giao dịch ngoại hối bằng nhiều loại tiền điện tử khác nhau. “Thanh toán quy mô lớn là xuyên biên giới,” Josh Lipsky, giám đốc cao cấp của trung tâm Địa kinh tế, hội đồng Đại Tây Dương (Washington) cho biết. “Nếu ta thực sự lo ngại về vai trò của đồng đô la Mỹ trên thế giới, ta sẽ tập trung nhiều hơn vào là những dự án dành cho thanh toán quy mô lớn, không phải những dự án quy mô nhỏ lẻ.”
Và một trong nhiều cách để giao dịch quy mô lớn được dễ dàng hơn, là “token” hóa những khoản tiền mà các ngân hàng thương mại đang gửi ở các ngân hàng trung ương, biến chúng thành những khoản tiền kỹ thuật số, tương tự Bitcoin nhưng không có sự nặc danh vốn khiến tiền số thường được dùng để giao dịch bất hợp pháp. Các nhà nghiên cứu tại ngân hàng Fed New York, thuộc dự án Cedar, đã từng thực hiện một giao dịch ngoại hối giả lập với ngân hàng trung ương Singapore bằng cách dùng token, theo một báo cáo xuất bản tháng 5.2023.
Token hóa một loại tài sản đồng nghĩa với việc cho phép quyền sở hữu nó, cũng như thông tin gắn liền với nó, được truyền đi an toàn trên không gian mạng. Còn token hóa nguồn dự trữ của các ngân hàng trung ương là hoạt động quan trọng, vì đây là nơi tiền được chuyển giữa các ngân hàng thương mại, nơi ngân hàng trung ương ghi nợ (debit) với một tài khoản, và ghi có (credit) với một ngân hàng khác. Trong một dự án riêng, các chuyên gia Fed đã hợp tác cùng các chuyên gia của những định chế tài chính lớn để xây dựng một “sổ cái” (ledger) kỹ thuật số dùng chung và giúp kết nối Fed với các ngân hàng. Ý tưởng ở đây là tạo ra một mạng lưới để mọi khâu mọi bước của một giao dịch (đến cả những thay đổi trong tài khoản khách hàng) đều được ghi nhận cùng-một-lúc.
Và viễn cảnh có thể chuyển tiền trong chỉ vài giây, giảm thiểu rủi ro sai sót sẽ là lợi ích rất hấp dẫn với những doanh nghiệp thường xuyên phải chuyển tiền quy mô lớn xuyên biên giới. Giới thủ quỹ tại các doanh nghiệp đa quốc gia cũng sẽ có khả năng huy động và đầu tư tiền mặt nhàn rỗi, hoặc chuyển tiền qua lại giữa các chi nhánh trên toàn cầu một cách hiệu quả hơn. Ngay cả khi Trung Quốc có cả hai phiên bản dành cho giao dịch quy mô lớn giữa các doanh nghiệp, lẫn phiên bản dành cho người tiêu dùng nhỏ lẻ của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, họ vẫn chưa thể sánh với đồng đô la Mỹ ở những điểm then chốt: Sự rộng mở và có tính thanh khoản cao của thị trường vốn (capital) Mỹ, đất nước có nền kinh tế năng động và lớn nhất thế giới, uy tín cao của Fed, và pháp luật tương đối ổn định.
“Tôi không hề lo lắng về Trung Quốc, vì cơ may họ biến được đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền có tầm quan trọng toàn cầu phụ thuộc vào nhiều tiêu chí cơ bản hơn nhiều,” Darrell Duffie, giáo sư tài chính tại đại học Stanford, nói. Nhưng ông cũng nhận xét đã tới lúc Mỹ cần những bước đi để ngăn ngừa nguy cơ xói mòn vị thế của đồng đô la. “Lợi thế đó lớn đến mức không thể từ bỏ được,” Duffie nói. “Dù là từ bỏ dần dần trong hai đến ba thập kỷ tới.”
Đến giờ, Mỹ luôn thận trọng. Một quan chức giấu tên của bộ Tài chính nước này cho biết họ đang theo dõi sát các nghiên cứu mới. Một quan chức khác ở Nhà Trắng, cũng giấu tên, cho biết Lael Brainard (giám đốc hội đồng Kinh tế quốc gia) chưa thật sự chú ý đến đề tài này, và Mỹ cũng không có lập trường gì về tiền điện tử, dẫu đây từng là trọng tâm của bà khi còn là phó chủ tịch Fed (bà rời cơ quan này vào tháng 2.2023).
Điều này đã gây ra ngờ vực ở những người quan sát chính quyền. Khi còn ở Fed, Brainard đã nói rõ Washington muốn tham gia, khi các nước tìm được cách hiện đại hóa mạng lưới thanh toán hiện tại. “Điều rất quan trọng với chúng tôi (nước Mỹ) là tham gia được vào việc thiết lập tiêu chuẩn cho các giao dịch xuyên biên giới,” bà phát biểu trước ủy ban Tài chính của Hạ viện hồi tháng 5.2022. “Việc chúng ta có một đồng tiền kỹ thuật số thực sự hay không sẽ quyết định đến khả năng định hình tiêu chuẩn nói trên.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/dong-do-la-my-dien-tu-khong-phai-thu-danh-cho-ban-52453.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media