Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Donald Trump áp thuế đối ứng, gây sức ép buộc Ấn Độ đàm phán thương mại. Quan hệ Mỹ - Ấn căng thẳng, liệu Modi có nhượng bộ?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (ở bên phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC, Mỹ, vào thứ Năm, ngày 13 tháng 2 năm 2025. Hình ảnh: Francis Chung/Politico/Bloomberg.
Tác giả: Josh Wingrove và Hadriana Lowenkron
15 tháng 2, 2025 lúc 3:16 PM
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đồng ý bắt đầu đàm phán nhằm giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ, ngay cả khi ông chỉ trích New Delhi vì mức thuế cao và bảo vệ quyết định áp đặt các loại thuế quan đối ứng mới.
"Thẳng thắn mà nói, giờ đây chúng tôi không còn bận tâm tới mức thuế mà họ áp dụng nữa," Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Năm, bên cạnh nhà lãnh đạo Ấn Độ. "Chúng tôi sẽ làm theo cách đơn giản. Bất kỳ mức thuế nào họ áp đặt, chúng tôi cũng sẽ áp dụng tương tự."
Phát biểu của Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông công bố các loại thuế quan đối ứng có thể có hiệu lực đối với các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả Ấn Độ, sớm nhất vào tháng 4. Trump khẳng định đây là quyết định bắt buộc phải thực hiện sau những nỗ lực không thành trong việc thuyết phục Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu.
"Rất khó để xuất khẩu sang Ấn Độ vì họ có hàng rào thương mại và thuế quan rất cao," Trump nhấn mạnh.
Mặc dù Trump hoan nghênh thỏa thuận giữa ông và Modi về việc khởi động "đàm phán để giải quyết sự chênh lệch lâu dài" trong quan hệ thương mại song phương, nhưng thông tin chi tiết về bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào vẫn còn hạn chế. Ông đề cập đến kế hoạch tăng cường xuất khẩu năng lượng – bao gồm dầu mỏ và khí đốt – cũng như công nghệ quốc phòng với giá trị "nhiều tỉ đô la" như một phần trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại. Tổng thống Mỹ cũng cho biết Washington sẽ thúc đẩy các bước đi để cuối cùng cung cấp cho Ấn Độ tiêm kích F-35.
Về phần mình, Modi không đưa ra cam kết cụ thể, thay vào đó nhấn mạnh mong muốn mở rộng quan hệ thương mại với Mỹ, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch song phương lên 500 tỉ USD vào năm 2030.
Thủ tướng Ấn Độ cho biết nước này muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn – hai ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng mà Trump đã xác định là ưu tiên của chính quyền ông. Modi cũng bày tỏ mong muốn củng cố chuỗi cung ứng, bao gồm cả ngành dược phẩm.
"Tôi nghĩ mối quan hệ song phương hiện nay là tốt nhất từ trước đến nay," Trump phát biểu. Tuy nhiên, dù cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tình hữu nghị trong quá khứ – và Modi thậm chí còn gửi lời mời Trump thăm Ấn Độ – nhưng cuộc thảo luận giữa họ vẫn bị phủ bóng bởi các biện pháp thuế quan đối ứng mà chính quyền Mỹ đang triển khai.
Mỹ áp thuế đối ứng sớm nhất vào tháng Tư
Các loại thuế quan, có thể hoàn tất trước ngày 1.4, sẽ được điều chỉnh theo từng quốc gia, không chỉ đối ứng mức thuế của họ mà còn tính đến các rào cản phi thuế quan như trợ cấp không công bằng, quy định khắt khe, thuế giá trị gia tăng và các yếu tố khác. Những biện pháp này có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Ấn Độ.
Các quan chức cấp cao của Mỹ, trong cuộc họp báo trước thềm cuộc gặp Trump – Modi, cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ tìm cách đặt nền tảng cho một thỏa thuận thương mại song phương, với mục tiêu hoàn tất trong năm nay. Một phần của kế hoạch này là thúc đẩy Ấn Độ gia tăng nhập khẩu năng lượng và công nghệ quốc phòng của Mỹ, nhằm điều chỉnh cán cân thương mại.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri xác nhận nước này mong muốn nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại, với vòng đàm phán đầu tiên dự kiến hoàn tất vào mùa thu năm 2025.
"Thuế quan đương nhiên là một phần trong cuộc thảo luận," Misri cho biết. Ông cũng nhắc lại rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, hai bên đã có ý định đàm phán một thỏa thuận thương mại và hiện tại cả Mỹ và Ấn Độ đều muốn đạt được một giải pháp "đôi bên cùng có lợi."
Thủ tướng Modi đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào than đá trong sản xuất năng lượng, mở ra cơ hội cho Mỹ xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, hạn chế về cơ sở hạ tầng đường ống tại Ấn Độ đang cản trở kế hoạch này.
Modi và Trump lần cuối gặp nhau cách đây 5 năm, khi nhà lãnh đạo Ấn Độ tổ chức một sự kiện hoành tráng chào đón Tổng thống Mỹ trước 100.000 người tham dự. Cuộc hội đàm lần này sẽ là phép thử cho khả năng của Modi trong việc xoa dịu những lo ngại của Mỹ về thương mại, đồng thời duy trì quyền tiếp cận thị trường lớn nhất của Ấn Độ.
Chuyến thăm của Modi diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính Ấn Độ đang đối diện nhiều áp lực. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 21 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán kể từ tháng 9.2024, đồng rupee liên tục suy yếu và chỉ số chứng khoán 4.1 ngàn tỉ USD của nước này đang có hiệu suất kém nhất trong khu vực châu Á.
Một cuộc chiến thương mại với Mỹ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình. Thâm hụt thương mại tổng thể của Ấn Độ hiện là 78.1 tỉ USD – chủ yếu do nhập khẩu năng lượng – nhưng được bù đắp phần nào bởi thặng dư thương mại song phương với Mỹ trị giá 35.3 tỉ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm ngoái.
Trước cuộc gặp với Trump, Modi đã nhanh chóng thực hiện một loạt nhượng bộ nhằm xoa dịu căng thẳng, bao gồm cắt giảm thuế đối với các mặt hàng như dệt may, mô tô và xe hơi hạng sang. Ấn Độ cũng cam kết tiếp nhận các chuyến bay chở người nhập cư bị trục xuất – một ưu tiên hàng đầu của Trump – mua thêm năng lượng từ Mỹ và duy trì giao dịch thương mại bằng đồng USD.
Một quan chức Mỹ cho biết các động thái này vẫn còn hạn chế nhưng đã được ghi nhận tích cực.
Trong cuộc họp báo, Modi cũng bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Trump trong việc chấm dứt cuộc chiến Nga – Ukraine, một lập trường khiến các đồng minh châu Âu bất ngờ và đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với xung đột này.
Một điểm căng thẳng khác trong quan hệ Mỹ – Ấn là cáo buộc hối lộ liên quan đến tỉ phú Gautam Adani, đồng minh thân cận của Modi. Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhưng Trump có thể quyết định mức độ theo đuổi vụ án này.
Khi được hỏi liệu có thảo luận về vụ việc Adani với Trump hay không, Modi né tránh câu trả lời trực tiếp, chỉ nhấn mạnh rằng ông bảo vệ quyền lợi của mọi công dân Ấn Độ và cho rằng những vấn đề cá nhân không phù hợp để bàn thảo ở cấp nguyên thủ.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/de-doa-danh-thue-doi-ung-voi-an-do-donald-trump-se-day-chien-tranh-thuong-mai-len-muc-khoc-liet-52801.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media