Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hạng trung và những thành phố nhỏ đang tạo ra những đột phá công nghệ đáng kinh ngạc.
Robot hình người G1 của Unitree Robotics. Người sáng lập công ty, Wang Xingxing, chỉ theo học một trường đại học địa phương ở Thượng Hải. Hình ảnh: David Paul Morris/Bloomberg
Tác giả: Shuli Ren
25 tháng 3, 2025 lúc 10:26 AM
DeepSeek đã thay đổi cách thế giới nhìn nhận Trung Quốc. Mối lo ngại về “bộ ba nguy cơ” – giảm phát, nợ và nhân khẩu học – đang kìm hãm tăng trưởng của nước này dường như đã tan biến. Thay vào đó, giới đầu tư đang thảo luận về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể cạnh tranh với Mỹ và thách thức vị thế thống trị công nghệ của nước này ra sao.
Giới quan sát nhận định rằng “lợi ích từ kỹ sư” của Trung Quốc cuối cùng cũng đang phát huy tác dụng. Trong giai đoạn 2000-2020, số lượng kỹ sư đã tăng vọt từ 5,2 triệu lên 17,7 triệu người, theo số liệu của Quốc vụ viện Trung Quốc. Lực lượng nhân tài dồi dào này được kỳ vọng sẽ giúp đất nước tiến lên trên đường biên khả năng sản xuất.
Sự xuất hiện của DeepSeek lẽ ra không nên gây bất ngờ. Quy mô có ý nghĩa quan trọng: một nhóm nhân tài lớn hơn sẽ mang đến cơ hội đột phá cao hơn. Năm 2022, 47% số nhà nghiên cứu AI thuộc nhóm 20% hàng đầu thế giới đã hoàn thành bậc đại học tại Trung Quốc, vượt xa mức 18% của Mỹ, theo dữ liệu từ MacroPolo, cơ quan nghiên cứu trực thuộc viện Paulson. Năm ngoái, quốc gia châu Á này đứng thứ ba về số lượng chỉ số đổi mới do tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới tổng hợp, sau Singapore và Mỹ.
Điều này cũng có nghĩa là những đột phá công nghệ có thể xuất hiện từ bất cứ đâu. Lãnh đạo DeepSeek, có trụ sở tại Hàng Châu, không xuất thân từ đại học danh giá Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Nhà sáng lập của công ty, ông Liang Wenfeng, tốt nghiệp đại học Chiết Giang – một trường có tiếng, nhưng chưa thể sánh với Harvard của Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Manus AI tiếp tục khuấy động cuộc đua trí tuệ nhân tạo với sản phẩm có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như phân tích cổ phiếu và sàng lọc hồ sơ xin việc. CEO của công ty, ông Xiao Hong, từng học ngành kỹ thuật phần mềm tại đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán – một trường ít được biết đến hơn nữa.
Hay như start-up Unitree Robotics, với những “robot kung fu” tiên tiến, đang ở tuyến đầu trong cuộc đua Mỹ - Trung về sản xuất hàng loạt robot hình người tích hợp AI. Nhà sáng lập Wang Xingxing theo học một trường đại học địa phương ở Thượng Hải do điểm tiếng Anh quá thấp. Nói cách khác, không thể chỉ nhìn vào nhóm 1% hàng đầu để đánh giá tiềm năng của Trung Quốc. Ngày nay, các sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học hạng trung và sống tại các thành phố nhỏ vẫn có thể tạo ra những đổi mới đầy ấn tượng.
Quan trọng hơn, Trung Quốc có lợi thế chi phí. Những người dưới 30 tuổi chiếm 44% tổng lực lượng kỹ sư của nước này, so với 20% ở Mỹ, theo dữ liệu của Kaiyuan Securities. Kết quả là mức lương của các nhà nghiên cứu chỉ bằng khoảng 1/8 so với tại Mỹ.
Chính sách tập trung vào giáo dục đại học của chủ tịch Tập Cận Bình đã góp phần nâng cấp chuỗi giá trị của Trung Quốc. Hiện nay, khoảng 40% học sinh trung học tại nước này theo học đại học, so với chỉ 10% vào năm 2000. Trong đó, kỹ thuật là một trong những ngành học phổ biến nhất ở bậc sau đại học.
Sự gia tăng nguồn nhân lực có trình độ là tín hiệu tích cực cho chính phủ, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với sự suy giảm dân số. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ ghi nhận 9,5 triệu ca sinh – sụt giảm mạnh so với mức khoảng 15 triệu ca sinh hàng năm trước đại dịch. Điều đáng chú ý là năm 2024 rơi vào năm Thìn – thời điểm được coi là cát lợi theo quan niệm tử vi Trung Quốc – nhưng tỉ lệ sinh vẫn thấp. Viễn cảnh về một xã hội già hóa, cùng với lo ngại rằng động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang suy yếu, khiến nhiều người lo rằng Trung Quốc có thể đi vào vết xe đổ của Nhật Bản, với hàng thập kỷ tăng trưởng trì trệ.
Xu hướng tập trung vào kỹ sư báo hiệu một mô hình tăng trưởng mới. Đúng là lực lượng lao động của Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, và so với Đông Nam Á, chi phí lao động trở nên quá cao để duy trì các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống như điện thoại thông minh và may mặc. Tuy nhiên, lực lượng kỹ sư của nước này vẫn trẻ, rẻ và dồi dào. Do đó, họ có thể mở ra những cơ hội mới cho Trung Quốc, thậm chí đủ sức cạnh tranh với phương Tây trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, robot hình người và ứng dụng AI.
Đến thời điểm này, Bắc Kinh dường như đã từ bỏ việc bảo vệ các ngành xuất khẩu truyền thống, khi nhận thấy lợi thế cạnh tranh đã mất dần. Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Vì vậy, những nhà đầu tư đang đặt cược vào công nghệ Mỹ cần cân nhắc đến thách thức mang tính cấu trúc từ Trung Quốc: Liệu nước này có thể gây đột phá trong lĩnh vực công nghệ, giống như đã từng làm với ngành dệt may và đồ gia dụng?
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cac-the-he-ky-su-mang-lai-loi-ich-to-lon-cho-nen-cong-nghe-va-kinh-te-trung-quoc-52901.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media