Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Nhiều nhà xuất khẩu ở các quốc gia nghèo nhất thế giới đang rơi vào cảnh đơn hàng bị hủy, thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề và không biết phải xoay sở ra sao trong thời gian tới.
Tác giả: Dan Strumpf, Philip Heijmans, và Kai Schultz
15 tháng 4, 2025 lúc 10:08 AM
Trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế, bà Rubana Huq đã vội vàng tổ chức một cuộc họp khẩn với các nhà xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh.
Trong phòng khách của một căn hộ cao cấp ở Dhaka, các doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng cho những thương hiệu như H&M và Dollar Tree không khỏi bàng hoàng trước cách mà Mỹ đang đối xử với các quốc gia nghèo. Họ lo sợ rằng mức thuế mới này sẽ khiến các nhà máy địa phương bị thiệt hại nặng nề và làm đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ông Ahsan Khan Chowdhury, người đứng đầu công ty có tới 150.000 nhân viên, tỏ ra rất bức xúc.
“Chúng tôi là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới,” ông nói đầy thất vọng. “Chúng tôi đã làm gì để phải gánh chịu sự trừng phạt từ Mỹ?”
Các mức thuế mà ông Trump đề xuất đánh thẳng vào những quốc gia gần như không có sức mặc cả với Mỹ, nơi người dân chỉ kiếm được vài đô la mỗi ngày và sống dựa vào việc xuất khẩu hàng giá rẻ sang thị trường Mỹ, một nền kinh tế lớn gấp 60 lần so với Bangladesh. Điều nghịch lý là trong nhiều năm qua, các tổ chức phát triển do Mỹ hỗ trợ từng khuyến khích Bangladesh thoát nghèo bằng con đường xuất khẩu hàng may mặc.
Trong một tuần đầy biến động và khó đoán, khi ông Trump liên tục thay đổi chính sách, lúc thì áp dụng, lúc lại tạm hoãn các mức thuế cao nhất đối với hàng chục quốc gia, các nước đang phát triển buộc phải đối mặt với một viễn cảnh u ám.
Suốt hơn 70 năm, nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á, đã đóng vai trò là công xưởng giá rẻ cho Mỹ, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Người Mỹ nhập khẩu mọi thứ, từ quần áo may tại Bangladesh đến hương liệu vani trồng ở Madagascar.
Giờ đây, ông Trump tuyên bố "Ngày Giải phóng", đảo lộn toàn bộ mô hình đó. Tại Việt Nam, nguy cơ bị áp mức thuế lên đến 46% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ đã khiến các nhà máy ở Hà Nội và TP.HCM rơi vào tình trạng hoảng loạn.
Ngoại trừ Trung Quốc — nơi ông Trump đã tăng thuế lên đến 125% (kết hợp với mức thuế 20% trước đó thì tổng mức thuế đã công bố lên đến 145%)— các quốc gia khác hiện được tạm hoãn áp thuế thêm 90 ngày. Nếu Nhà Trắng thực hiện kế hoạch áp thuế, chúng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ vừa cắt giảm phần lớn viện trợ từ nước ngoài chỉ vài tuần trước.
“Đây chỉ là một khoảng lặng ngắn trước khi lưỡi kiếm Damocles rơi xuống,” ông Zachary Abuza, giáo sư tại Trường Chiến tranh Quốc gia ở Washington chuyên về chính trị Đông Nam Á, nhận định. ““Họ vẫn đang sống dưới một mối đe dọa treo lơ lửng trên đầu, và Trump là một vị tổng thống khó lường.”
Bằng việc gây áp lực lên các quốc gia nghèo và yếu thế hơn, vốn chỉ sản xuất những mặt hàng không mang tính chiến lược như quần áo hay giày dép, ông Trump cho thấy ông sẵn sàng đánh đổi hàng chục năm hợp tác phát triển và ảnh hưởng mềm của Mỹ để theo đuổi mục tiêu cân bằng cán cân thương mại của mình.
Nhiều nước châu Phi bị ảnh hưởng lâu nay đã sống nhờ vào quyền xuất khẩu miễn thuế sang Mỹ. Một số nước khác như Pakistan, Sri Lanka thì phải dựa vào IMF để giữ cho nền kinh tế không sụp đổ, hoặc đang vướng vào chiến tranh và xung đột kéo dài. Trong danh sách các nước bị nhắm đến, ông Trump dự kiến sẽ áp mức thuế cao nhất với Lesotho, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi. Giới chức nước này cảnh báo nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch áp thuế, nền kinh tế Lesotho có thể sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Đứng bên ngoài một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, bà Sou Samnang, 45 tuổi, không giấu được sự tuyệt vọng. Gần như toàn bộ khoản lương 200 USD mỗi tháng của bà đều dành để nuôi gia đình và trả nợ vay mua xe máy. Nếu bị mất việc đột ngột, bà sẽ không còn cách nào để xoay xở.
“Tôi không biết phải làm gì,” bà nói.
Và Trung Quốc đang chờ cơ hội này. Nước này đã đầu tư hàng tỷ USD để xây cảng và đường sắt ở các quốc gia nghèo, đổi lại là sự ủng hộ về chính trị. Bắc Kinh muốn tận dụng tình hình rối ren hiện nay để mở rộng quan hệ thương mại. Sắp tới, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới thăm Campuchia, Việt Nam và Malaysia.
“Hơn mười năm qua, Washington luôn kêu gọi các nước phản đối Trung Quốc vì hành vi bắt nạt, coi thường luật pháp và làm ăn không công bằng,” bà Lynn Kuok, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Brookings, nhận xét. “Giờ thì Mỹ lại đang bị chỉ trích vì những điều y như vậy.”
Tại châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất từ các mức thuế, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ban đầu, giới chức Campuchia cho rằng mức thuế 49% không đáng lo ngại. Họ tin ông Trump sẽ sớm bãi bỏ nó, vì Campuchia chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ, cần nhiều lao động. Năm 2024, kim ngạch thương mại của Campuchia với Mỹ đạt khoảng 13 tỷ USD, trong đó 97% là hàng xuất khẩu.
Khi thấy Nhà Trắng không thay đổi lập trường, Campuchia lập tức phản ứng. Giới chức và doanh nghiệp nước này bắt đầu tìm cách đàm phán với Mỹ. Một số người lo ngại rằng một nền kinh tế nhỏ như Campuchia khó có thể khiến ông Trump quan tâm, theo chia sẻ của ông Casey Barnett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia, người đã và đang tham gia các cuộc thảo luận này.
“Campuchia hầu như không mua hàng hóa từ Mỹ,” ông nói, và cho biết một trong những mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này từ Mỹ là xe cũ. “Người dân ở đây thậm chí không đủ tiền để mua xe mới.”
Sau khi ông Trump tạm hoãn phần lớn các mức thuế vào ngày 9 tháng 4 vừa qua, chỉ giữ lại mức 10%, trừ Trung Quốc, các bên liên quan dường như đều muốn đàm phán.
Ông Thomas Lim, Giám đốc điều hành công ty logistics LNL (Campuchia) tại Phnom Penh, cho biết khách hàng Mỹ của ông đã vội dừng hàng loạt chuyến hàng vào sáng sớm thứ Tư, rồi lại đổi ý ngay sau khi ông Trump thông báo hoãn việc áp các mức thuế
“Trong 90 ngày tới, tôi nghĩ các hãng vận chuyển sẽ tận dụng thời điểm này để tăng giá,” ông Lim nói và ước tính chi phí vận chuyển có thể tăng khoảng 25% trong tháng 5 và 6 tới.
Các chuỗi cung ứng không phải tự nhiên xuất hiện. Suốt nhiều thập kỷ, lộ trình để các nước nghèo phát triển gần như không có gì thay đổi: chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, xác định lĩnh vực thế mạnh và bán sản phẩm ra thế giới. Mô hình này đã giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo ở Trung Quốc và ở nhiều nơi khác đã mở ra giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng hơn, nhiều tập đoàn lớn bắt đầu tìm cách để đa dạng hóa hơn. Chiến lược “Trung Quốc cộng một” đã mở ra cơ hội cho các nước như Việt Nam, nơi các nhà máy sản xuất giày cho Nike tạo thêm việc làm ở Đông Nam Á và cung cấp hàng hóa giá rẻ cho thị trường Mỹ. Theo Bloomberg Economics, hơn 25% GDP của Việt Nam đến từ việc xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, lợi nhuận từ mô hình công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu đã giảm sút. Lý do là tự động hóa gia tăng, lạm phát hậu đại dịch và làn sóng bảo hộ tại các nước giàu.
Theo chuyên gia kinh tế Dani Rodrik từ Đại học Harvard, các biện pháp tăng thuế mà ông Trump đề xuất — với quy mô chưa từng có trong hơn 100 năm qua — có thể đánh dấu sự chấm dứt của mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu hiện nay.
“Việc áp thuế quan thực sự là giọt nước tràn ly,” ông nói. “Các nước đang phát triển cần một chiến lược mới.”
Bangladesh đã xuất khẩu hơn 8 tỷ USD hàng may mặc sang Mỹ trong năm ngoái, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch. Hiện tại, các nhà xuất khẩu nước này đang chịu sức ép rõ rệt. Một số cho biết khách hàng Mỹ yêu cầu họ phải tự chịu toàn bộ mức thuế 37% — một điều hoàn toàn bất khả thi trong bối cảnh lợi nhuận đang rất thấp như hiện nay.
Cuộc chiến về giá đang diễn ra gay gắt, khi các nhà xuất khẩu buộc phải cạnh tranh để tiếp cận những thị trường dễ thở hơn như châu Âu.
Bà Huq, Giám đốc điều hành Tập đoàn Mohammadi chuyên về dệt may, cho biết một khách hàng ở Tây Ban Nha đã bất ngờ hủy hai đơn hàng với số lượng lên tới hàng trăm nghìn áo sơ mi cotton. Về sau, bà mới biết đó là do một nhà cung cấp tại Campuchia đã chào giá thấp hơn.
“Chỉ cần rẻ hơn một xu là họ sẵn sàng đổi nhà cung cấp,” bà nói.
Trước khi ông Trump tạm dừng kế hoạch áp thuế vào thứ Tư tuần trước, thị trường đã bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch năm 2020. Với nhiều doanh nghiệp, mọi thứ đã rất rõ ràng: nếu còn phụ thuộc vào Mỹ, họ có thể tiếp tục gặp những cú sốc tốn kém hơn nữa.
Bà Sim Thai Ha Phuong, chủ công ty Thai Son S.P. với hai nhà máy dệt may tại miền Nam Việt Nam, đã rút ra bài học từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó, doanh thu của bà “sụt giảm nghiêm trọng.” Từ sau biến cố đó, bà đã chủ động giảm sự phụ thuộc vào thị trường Bắc Mỹ và tập trung xây dựng mạng lưới khách hàng tại Nga, châu Âu và Úc.
“Tôi biết là mình phải đa dạng hóa thị trường,” bà nói.
Tuy vậy, việc tìm thị trường mới không hề dễ trong bối cảnh thế giới đang dư thừa hàng hóa giá rẻ, theo ông Rehman Naseem, Giám đốc điều hành công ty Fazal Cloth Mills ở Pakistan, nơi khoảng 80% hàng xuất khẩu sang Mỹ là hàng dệt may.
“Không có quốc gia nào đang thiếu hàng dệt may cả,” ông nói. “Tìm thị trường thay thế trong thời gian ngắn như thế là điều không thể.”
Việc các mức thuế mới có làm tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc đem lại thêm đơn hàng cho nước hay không vẫn còn là ẩn số. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho biết khu vực đã thay đổi cách nhìn về Mỹ: từ “người giải phóng” thành “chủ nhà đi đòi tiền thuê.” Sau khi các hợp đồng viện trợ USAID bị chấm dứt, Trung Quốc đã nhanh chóng nhảy vào tài trợ cho các dự án giáo dục và phát triển trẻ em tại Campuchia.
Tuy vậy, nhiều người lo ngại Trung Quốc có thể can thiệp quá sâu vào các nước khác để giảm tác động từ thuế. Điều này có thể khiến doanh nghiệp địa phương phá sản và khiến các lãnh đạo, dù đang cân nhắc hợp tác với Trung Quốc vì sự khó đoán của Trump, cũng phải dè chừng.
“Mọi chuyện không hẳn sẽ suôn sẻ với Bắc Kinh,” ông Peter Mumford, chuyên gia phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Tập đoàn Eurasia chuyên phân tích rủi ro chính trị, nhận định. “Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến cả khu vực tràn ngập hàng giá rẻ từ Trung Quốc.”
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là lý thuyết. Suốt tuần qua, giữa lúc căng thẳng leo thang, các nhà máy may mặc tại Bangladesh vẫn hoạt động hết công suất. Mùi bàn ủi nóng bốc lên nồng nặc trong những khu nhà xưởng rộng lớn.
Ở ngoại ô Dhaka, tại một nhà máy thuộc Urmi Group, hàng trăm công nhân trong đồng phục màu xanh miệt mài luồn vải qua những chiếc máy may. Trong số đó có chị Sheuly Akter, 30 tuổi, nhân viên kiểm định chất lượng đang cùng chồng nuôi một gia đình bảy người. Chị nói hiện không ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra với Bangladesh, ngoài việc tất cả sẽ phải làm việc nhiều hơn, nhanh hơn và cực hơn để bù lại phần đơn hàng đã mất. Cuộc sống của chị phụ thuộc vào điều đó.
“Tôi không nghĩ khách hàng sẽ chịu trả phần thuế tăng thêm,” chị nói. “Tôi thật sự rất lo lắng.”
— Với sự hỗ trợ của Arun Devnath, Anusha Ondaatjie, Kamran Haider, Francesca Stevens, John Boudreau, Nguyen Dieu Tu Uyen, Faseeh Mangi, Antony Sguazzin, Neil Munshi, và Mathabiso Ralengau
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cac-cong-xuong-the-gioi-lao-dao-vi-thue-quan-tu-my-52984.html
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media