Công nghệ

Bệ phóng mới của ngành du lịch

Sành công nghệ, hay tìm cảm hứng du lịch trên mạng và nay thích, mai đi, thế hệ Z đang trở thành xương sống mới của mảng travel tech (công nghệ du lịch) Việt Nam.

Minh họa: Thanh Soledas.

Minh họa: Thanh Soledas.

Tác giả: Giang Lê

30 tháng 12, 2024 lúc 2:09 PM

“Tôi mua vé máy bay trên trang web  hãng hàng không All Nippon Airways (ANA), đặt phòng trên ứng dụng Airbnb, truy cập ứng dụng Klook để mua vé tàu tốc hành và các triển lãm. Khi chọn nơi ăn uống, tôi lên Google Maps, tìm các tiệm gần đó có điểm đánh giá cao,” Lê Bình Yên, 27 tuổi, vừa kết thúc chuyến đi Nhật để ngắm lá đỏ cùng bạn thân cuối tháng Mười một cho biết. Do công việc ngày càng bận rộn nên tần suất các chuyến đi của chị những năm gần đây đã giảm bớt. Trước đây mỗi tháng chị đều dành 2-3 ngày để khám phá những địa điểm trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Thuộc đời đầu của thế hệ Z, hay gen Z - thế hệ đầu tiên của Việt Nam sinh ra và lớn lên giữa thời đại số, việc sử dụng những ứng dụng di động trong các chuyến du lịch trở thành lẽ đương nhiên với chị Yên. Điều này mở ra thị trường tiềm năng cho các ứng dụng travel tech (công nghệ du lịch), nhưng cũng đòi hỏi các đơn vị điều hành phải thấu hiểu và thực thi các chiến lược mới để phục vụ tệp khách này hiệu quả hơn.

Gen Z (sinh ra trong giai đoạn 1996- 2010) được PwC dự đoán sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam năm 2025. “Với tư duy hướng tới các sản phẩm dịch vụ công nghệ và ưu tiên trải nghiệm, họ được xem là xương sống của thị trường travel tech Việt Nam, định hình sự phát triển và tăng trưởng của ngành này,” ông Caesar Indra, chủ tịch của Traveloka nhận định với Bloomberg Businessweek Vietnam qua thư điện tử.

Vậy khác biệt trong các chuyến du lịch của gen Z so với thế hệ trước là gì? Thế hệ Millennials (sinh ra khoảng năm 1982-1995) nay trưởng thành, có việc làm và gia đình ổn định, nên họ thường ưu tiên các kỳ nghỉ có kế hoạch cùng gia đình và chú trọng sự thuận tiện. Trong khi đó, gen Z thường đi du lịch cùng bạn bè, thậm chí một mình, một cách tự phát và thường tìm thấy cảm hứng du lịch từ nội dung trực tuyến.

Mới gia nhập độ tuổi lao động, gen Z được đánh giá là “chịu chi” cho du lịch. 50% ứng viên thuộc gen Z, qua khảo sát năm 2023 của Nguyễn Việt Hoàng thuộc đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đi du lịch từ hai lần/năm trở lên, với thời gian cho mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 2-3 ngày. Tuy chi phí không cao do ngân sách hạn chế (trung bình 5-10 triệu đồng, thấp hơn so với trung bình 15 triệu của Millennials), tần suất du lịch của gen Z dày hơn so với các thế hệ khác.

Để có trải nghiệm phù hợp khả năng chi trả, 62% gen Z, qua khảo sát nghiên cứu Xu hướng du lịch 2024 của Booking. com, chọn đi vào mùa thấp điểm để tiết kiệm chi phí. 63% bỏ sức săn mã giảm giá từ các chương trình dành cho khách hàng trung thành để tiết kiệm chi phí. 69% muốn lựa chọn các điểm đến có trải nghiệm du lịch độc đáo như nhảy dù hay bay khinh khí cầu. Vừa tối ưu chi phí vừa tối đa trải nghiệm khiến nhiều công dân thời đại số chọn cách tải nhiều ứng dụng du lịch và so sánh giá.

02-1-.jpg

Sau hơn 10 năm phát triển tại Việt Nam, công nghệ du lịch chủ yếu thuộc về các OTA (online travel agency) nước ngoài như Traveloka (Indonesia), Booking.com (Hà Lan) và Agoda (Singapore). Các nền tảng này cung cấp nhiều dịch vụ như đặt vé máy bay, khách sạn và vé tham gia các hoạt động trải nghiệm, với nguồn thu chính chủ yếu đến từ tiền hoa hồng và quảng cáo. Với ưu thế quy mô và hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ, các nền tảng nước ngoài vượt trội hơn những cái tên đến từ Việt Nam như iVIVU (thuộc tập đoàn Thiên Minh), Gotadi, Tugo, Mytour… Giai đoạn 2018-2019, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, Luxstay, doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối các bên kinh doanh homestay gọi vốn được sáu triệu đô la Mỹ nhưng sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, họ chuyển đổi mô hình.

Hơn 38% gen Z, theo khảo sát của Nguyễn Việt Hoàng, sử dụng OTA thuộc lĩnh vực khách sạn, còn các nội dung khác như đặt tour có tỉ lệ thấp, chiếm 4,3%. “Thị trường OTA tại Việt Nam không còn trong trạng thái phân mảnh,” bà Ngọc Nguyễn - chuyên viên đầu tư và phân tích của quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura nhận định.

03-2-.jpg

Trong lúc các nền tảng trong nước đang tìm cách mở rộng thị phần, các OTA của nước ngoài tập trung giải quyết bài toán tìm hiểu và làm hài lòng gen Z. Traveloka đã tạo ra phần tính năng “Khám phá” để cung cấp các ý tưởng du lịch, cùng tính năng “Lưu” để người dùng gen Z nhanh chóng đánh dấu điểm đến, trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu đi du lịch một cách bộc phát. Họ cũng chạy các chương trình quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến với gen Z như Instagram hay TikTok. Các nền tảng này cũng bắt đầu mở rộng dải sản phẩm tại Việt Nam. “Giá trị giao dịch tại Việt Nam của chúng tôi tăng hơn 70% so với mức trước đại dịch, chủ yếu nhờ vào du lịch trong nước đến các điểm đến được yêu thích như Hải Phòng, Vinh, Huế, Quy Nhơn và Phú Quốc,” ông Caesar Indra của Traveloka cho biết.

Mảng du lịch trực tuyến của Việt Nam, theo báo cáo Kinh tế số năm 2024 của Google và Temasek, đạt giá trị năm tỉ đô la Mỹ vào năm 2024 và chạm mốc 10 tỉ đô la năm 2030. Động lực phát triển nhờ dân số trẻ, am hiểu công nghệ, cũng như làn sóng chuyển đổi số đang ngày càng lan sâu và rộng. “Kỹ thuật số không chỉ là công cụ, mà còn là nền tảng để ngành du lịch Việt Nam vươn tới những tầm cao mới,” lãnh đạo Traveloka nhận định.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/be-phong-moi-cua-nganh-du-lich-52686.html

#Du lịch trực tuyến
#Du lịch Việt Nam
#Thời đại số
#Ứng dụng di động
#Dịch vụ công nghệ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media