5 chủ đề nhà đầu tư cần theo dõi khi vào mùa báo cáo lợi nhuận quý II

Giới đầu tư chờ đợi báo cáo kinh doanh quý II để xem thị trường có đang định giá quá cao trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp chững lại hay không.

Trụ sở của JP Morgan Chase & Co. tại New York. Hình ảnh: Michael Nagle/Bloomberg

Trụ sở của JP Morgan Chase & Co. tại New York. Hình ảnh: Michael Nagle/Bloomberg

Tác giả: Alexandra Semenova và Sagarika Jaisinghani

14 tháng 07, 2025 lúc 12:36 PM

Tóm tắt bài viết

Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo kinh doanh quý II để đánh giá liệu thị trường có đang định giá quá cao khi lợi nhuận doanh nghiệp chững lại, với dự báo tăng trưởng giảm từ 9,4% xuống 7,1%.

Mùa báo cáo lợi nhuận không chính thức bắt đầu từ ngày 16/7 với các tập đoàn tài chính lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và BlackRock, trong bối cảnh tác động từ chiến tranh thương mại vẫn chưa rõ ràng.

Các tập đoàn công nghệ Mỹ, bao gồm Microsoft, Meta Platforms, Amazon và Alphabet, dự kiến chi khoảng 337 tỷ USD cho đầu tư tài sản cố định trong năm tài chính 2026, tập trung vào phát triển các sản phẩm AI.

Tại châu Âu, giới phân tích đã hạ dự báo lợi nhuận do lo ngại chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump sẽ làm giảm biên lợi nhuận, đặc biệt trong nhóm cổ phiếu ô tô và khai khoáng.

Đồng đô la Mỹ suy yếu do chính sách thương mại của Tổng thống Trump và áp lực buộc Fed cắt giảm lãi suất, được các nhà xuất khẩu Mỹ đánh giá tích cực, với mức giảm 10% trong năm nay.

Tóm tắt bởi AI HAY

Chỉ trong ba tháng, chứng khoán Mỹ đã chuyển từ đợt bán tháo dữ dội hồi tháng 4 sang đạt mức cao kỷ lục mới. Giờ đây, các nhà đầu tư sẽ theo dõi liệu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có tương xứng với mức định giá lạc quan hiện tại trên thị trường hay không.

Tuy nhiên, giới phân tích không kỳ vọng nhiều: Phố Wall dự báo đây sẽ là mùa lợi nhuận yếu nhất kể từ giữa năm 2023. Dữ liệu từ Bloomberg Intelligence (BI) cho thấy lợi nhuận quý II của chỉ số S&P 500 sẽ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sáu trong số 11 nhóm ngành dự kiến ghi nhận lợi nhuận giảm, trong khi dự báo tăng trưởng cả năm của chỉ số chuẩn đã giảm từ 9,4% hồi đầu tháng 4 xuống còn 7,1%.

Dù triển vọng lợi nhuận suy yếu và các doanh nghiệp phải đối mặt với chính sách thương mại khó lường của Tổng thống Donald Trump, chỉ số S&P 500 vẫn đang giao dịch gần mức cao kỷ lục. Một phần lý do là vì kỳ vọng đã giảm, giúp các công ty dễ vượt chỉ tiêu hơn. Dựa trên các hướng dẫn gần đây, các chiến lược gia Gina Martin Adams và Wendy Soong của BI cho rằng nhiều doanh nghiệp có thể vượt qua các mức dự báo khiêm tốn này.

“Ngưỡng kỳ vọng đang rất thấp,” Kevin Gordon, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Charles Schwab, nhận xét. “Việc vượt chỉ tiêu trở nên dễ dàng hơn, nhưng trọng tâm nên đặt vào biên lợi nhuận gộp, vì đây là nơi các tác động từ thuế quan có thể xuất hiện.”

Mùa báo cáo lợi nhuận sẽ khởi động không chính thức vào thứ Tư (16.7), với loạt báo cáo từ các tập đoàn tài chính lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và BlackRock. Một số tên tuổi lớn khác như JB Hunt Transport Services và Netflix sẽ công bố kết quả trong tuần tới.

5 chủ đề đáng để nhà đầu tư theo dõi trong mùa báo cáo:

Tác động từ chiến tranh thương mại chưa rõ ràng

Thuế quan có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy chi phí tăng cao, điều mà nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, các kết quả này có thể vẫn chưa được thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh quý II.

Theo một khảo sát ngành gần đây do chuyên gia Andrew Obin của Bank of America dẫn đầu, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy thuế quan khiến nhu cầu suy giảm nghiêm trọng, cũng như không có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ về kinh tế vĩ mô kể từ khi các mức thuế cao được công bố rồi sau đó tạm hoãn.

Dữ liệu từ BI cho thấy động lực điều chỉnh lợi nhuận — tức chênh lệch giữa số lần điều chỉnh tăng và giảm — đã trở lại vùng tích cực trong quý II, sau khi suy yếu ở mùa báo cáo trước. Các nhà phân tích của BI dự báo biên lợi nhuận ròng của S&P 500 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý I năm 2024, sau năm quý tăng liên tiếp. Tuy nhiên, mức giảm này có thể chỉ là tạm thời, với biên lợi nhuận dự kiến sẽ phục hồi từ quý sau và kéo dài ít nhất đến cuối năm 2026. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp có thể phải đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí hoặc tăng tốc triển khai công nghệ AI.

Các tập đoàn công nghệ vẫn mạnh tay đổ tiền vào AI

Bất chấp sự bất ổn từ thương mại và kinh tế vĩ mô, các tập đoàn công nghệ Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay, đặc biệt nhằm phát triển các sản phẩm AI.

Microsoft, Meta Platforms, Amazon và Alphabet dự kiến sẽ chi khoảng 337 tỉ USD cho đầu tư tài sản cố định trong năm tài chính 2026, tăng từ mức 311 tỉ USD của năm hiện tại, theo dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg.

Phần lớn lợi nhuận của chỉ số S&P 500 vẫn đến từ các tập đoàn công nghệ lớn — nhóm được xem là được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển của AI. Bảy công ty lớn, được gọi là nhóm “Magnificent Seven”, gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Nvidia, Meta và Tesla, dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng lợi nhuận 14% trong quý II. Nếu không tính nhóm này, lợi nhuận của phần còn lại trong S&P 500 được dự báo giảm nhẹ 0,1% trong quý từ tháng 4 đến tháng 6.

“AI không chỉ là một từ khóa, mà nó còn là một chủ đề có tính chi phối và bền vững nhất,” Tony Kim, trưởng bộ phận cổ phiếu công nghệ tại BlackRock, nhận định. “Các cổ phiếu này chưa bị định giá quá cao và vẫn còn khả năng tiếp tục tăng.”

Theo dữ liệu từ BlackRock, các ông lớn về AI như Microsoft, Amazon, Alphabet và Meta đã chi hơn 80 tỉ đô la trong quý I và nâng dự báo đầu tư tài sản cố định cho năm 2025 lên tổng cộng 300 tỉ đô la.

Thị trường của những nhà đầu tư biết chọn lọc

Dữ liệu cho thấy cổ phiếu đang có xu hướng biến động không đồng bộ, một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử. Chỉ số đo mức độ tương quan kỳ vọng trong vòng một tháng giữa các cổ phiếu thuộc S&P 500 hiện ở mức 0,12, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Trong vòng 10 năm qua, chỉ 3,2% thời gian chỉ số này nằm dưới mức đó. Mức 1 phản ánh các cổ phiếu cùng biến động theo một hướng.

“Đây là thời điểm tốt để kiếm lời, nhưng bạn phải biết cách chọn cổ phiếu,” Lisa Shalett, giám đốc đầu tư của bộ phận quản lý tài sản tại Morgan Stanley, nói.

Bà khuyến nghị khách hàng nên tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng vượt kỳ vọng về lợi nhuận và dòng tiền, đặc biệt trong các ngành như năng lượng, tài chính và một số phân khúc y tế được hưởng lợi từ dự luật ngân sách của ông Trump.

“Bây giờ là lúc nhà đầu tư cần giữ đầu óc tỉnh táo,” bà viết trong lưu ý gửi khách hàng. “Không phải ai cũng được hưởng lợi trong thị trường hiện tại.”

Châu Âu đối mặt với loạt hạ dự báo lợi nhuận

Tại châu Âu, giới phân tích đã mạnh tay hạ dự báo lợi nhuận do lo ngại cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng sẽ làm giảm biên lợi nhuận. Một chỉ số của Citigroup cho thấy số lần hạ dự báo lợi nhuận liên tục vượt số lần nâng kể từ giữa tháng 3.

Theo các chiến lược gia của Goldman Sachs, các đợt điều chỉnh giảm chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu ô tô và khai khoáng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan, cũng như các cổ phiếu quốc phòng. Phân tích chỉ ra rằng yếu tố chính dẫn đến các đợt hạ dự báo là tình trạng biên lợi nhuận giảm.

“Nếu nhìn vào mức điều chỉnh từ giới phân tích, có thể thấy ngưỡng kỳ vọng hiện khá thấp nên doanh nghiệp dễ đạt hoặc vượt mục tiêu,” ông Georges Debbas, trưởng bộ phận chiến lược phái sinh cổ phiếu châu Âu tại BNP Paribas Markets 360, nhận định. “Miễn là doanh nghiệp không đưa ra cảnh báo tiêu cực về doanh thu nửa cuối năm, mùa báo cáo lợi nhuận này nhìn chung sẽ có lợi cho cổ phiếu.”

Giới đầu tư cũng sẽ theo dõi tác động từ việc đồng euro tăng giá, yếu tố thường khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu có hoạt động xuất khẩu lớn có nguy cơ giảm. Đồng euro đã tăng 13% so với đô la Mỹ trong năm nay, và đang trên đà ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2017.

Đồng đô la suy yếu

Sự bất ổn xoay quanh chính sách thương mại của tổng thống Trump và nỗ lực gây áp lực buộc Fed cắt giảm lãi suất khiến đô la Mỹ mất giá. Diễn biến này được các nhà xuất khẩu Mỹ đánh giá là tích cực.

Ông David Adams, chiến lược gia tại Morgan Stanley, gọi đồng đô la yếu là “một yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ nhưng chưa được đánh giá đúng mức” đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn vốn hóa lớn có tỉ trọng thu nhập từ nước ngoài cao hơn so với các công ty nhỏ hơn.

Theo dữ liệu từ BlackRock, đô la Mỹ đã giảm 10% trong năm nay và ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1973. Tập đoàn này cho rằng đồng tiền của Mỹ vẫn còn khả năng tiếp tục suy yếu.

Nhiều công ty, bao gồm Meta và Microsoft, đã cho biết trong quý trước rằng chênh lệch tỉ giá sẽ giúp họ tăng doanh thu thêm hàng trăm triệu đô la.

— Với sự hỗ trợ của Jeran Wittenstein, Jan-Patrick Barnert, và Anya Andrianova

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/5-chu-de-nha-dau-tu-can-theo-doi-khi-vao-mua-bao-cao-loi-nhuan-quy-ii-53767.html

#chứng khoán Mỹ
#mức cao kỷ lục
#kết quả kinh doanh
#doanh nghiệp
#Phố Wall
#mùa lợi nhuận
#S&P 500
#chính sách thương mại
#Donald Trump
#biên lợi nhuận
#công nghệ AI
#tập đoàn công nghệ
#châu Âu
#đồng euro
#đồng đô la

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media